Ngày 14/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đại biểu Quốc hội (QH) thành phố Hà Nội đã tiến hành tiếp xúc cử tri các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp xác đáng của cử tri, đề cập những vấn đề thiết thân, liên quan đến đời sống hàng ngày và đóng góp vào công việc chung của đất nước. Tổng Bí thư cũng đã dành thời gian trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề cử tri nêu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN |
Về việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, Tổng Bí thư cho biết, hiện còn hai loại ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, nên chăng không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, làm sao giảm bớt biên chế, gọn đầu mối, tập trung chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Nhưng ý kiến khác lại cho rằng, cần thiết phải có HĐND huyện, quận, phường, đâu có chính quyền thì ở đó cần có sự giám sát của nhân dân thông qua cơ quan do mình bầu ra là HĐND. Chính vì thế, QH chủ trương cho phép thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và bây giờ đến giai đoạn tổng kết. Hiện trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 còn ghi theo hướng mở, giao cho luật quy định về chính quyền địa phương. Sắp tới, tại Kỳ họp thứ 5, QH sẽ cho ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Bên cạnh đó, Trung ương cũng đã cho phép thí điểm xây dựng chính quyền đô thị, trước hết là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; thí điểm mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu.
Về vấn đề lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH, HĐND bầu, phê chuẩn, cụ thể là Kỳ họp thứ 5 sắp tới QH sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, Tổng Bí thư nêu rõ: Chủ trương này lâu nay đã được quy định trong Luật Tổ chức QH, nhưng chưa thực hiện, chưa có hướng dẫn cụ thể. Lần này, sau Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), Trung ương cũng quyết định lấy phiếu tín nhiệm, không phải chỉ đối với QH, mà với các cơ quan Đảng, các đoàn thể trong hệ thống chính trị. Đây là vấn đề lớn, chúng ta chưa từng làm, lần này làm là thể hiện tinh thần quyết tâm đổi mới, dân chủ, tăng cường vai trò giám sát của nhân dân, của đại biểu QH, đại biểu HĐND. Nhưng việc này đụng chạm đến vấn đề rất hệ trọng, nhạy cảm, nên phải hết sức thận trọng, chuẩn bị cho kỹ, tính toán làm sao để đạt được kết quả tốt.
Trước sự băn khoăn của nhiều cử tri, liệu việc lấy phiếu tín nhiệm có mang lại kết quả chính xác, có phản ánh đúng thực tế, nếu không cẩn thận người có tín nhiệm thật thì phiếu thấp, người khéo chạy chọt có khi lại nhiều phiếu; nếu kết quả lấy phiếu tín nhiệm không phản ánh đúng thực tế, sẽ dẫn đến việc sử dụng cán bộ không đúng, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Điều quan trọng là thực hiện đúng quyền của đại biểu QH, phải làm cho chắc chắn, cẩn thận, đòi hỏi các đại biểu phải rất sáng suốt, công tâm, khách quan, bản lĩnh, trí tuệ và nắm đúng thông tin. Đôi khi không biết đầy đủ thông tin, dù mình tốt nhưng lại nghe dư luận, nhất là những thông tin xấu, độc hại, bên ngoài tung ra để cố tình bôi nhọ người này người khác, nếu căn cứ vào những thông tin ấy để bỏ phiếu tín nhiệm thì rất nguy hiểm. Tổng Bí thư mong cử tri tiếp tục quan tâm, đóng góp ý kiến với QH, vì qua lắng nghe dân, đại biểu Quốc hội sẽ biết được tín nhiệm thật ở trong dân.
Về việc chăm lo đời sống nhân dân vùng biển đảo, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm vấn đề này, từ việc đánh cá thế nào, giá cả xăng dầu ra sao, tàu bè, thuyền, tổ hợp tác giúp nhau đánh bắt cá, khai thác tài nguyên, đưa điện, nước ngọt ra đảo, mở trường học, xây bệnh viện, xây chùa, gắn với thực hiện chiến lược biển, bảo vệ độc lập chủ quyền, bảo vệ dân, giữ cho được mối quan hệ hòa hiếu, ổn định để phát triển đất nước.
Tổng Bí thư đồng tình với ý kiến của nhiều cử tri, cho rằng các cơ quan chính quyền cần tăng cường công tác dân vận, cán bộ nhà nước cần được nâng cao kiến thức về công tác dân vận, tăng cường trao đổi, đối thoại trực tiếp với dân, không coi công tác dân vận chỉ là việc của các cơ quan Đảng, Mặt trận, đoàn thể.
Tổng Bí thư cũng ghi nhận và tiếp thu ý kiến đóng góp của nhiều cử tri về việc tăng cường hoạt động giám sát của QH, cụ thể là vấn đề bô xít ở Tây Nguyên, quy hoạch "treo", dự án "treo", giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính khả thi, tránh tình trạng ban hành rồi nhưng khó thực hiện trong thực tế cuộc sống...
* Cùng ngày, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc cử tri tại tổ bầu cử số 2, quận Hai Bà Trưng.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội, đồng chí Phạm Quang Nghị ghi nhận những ý kiến đóng góp của cử tri; đồng thời trao đổi, cung cấp thêm thông tin nhằm làm rõ hơn những vấn đề người dân đang quan tâm.
Đề cập đến vấn đề giáo dục, đồng chí Phạm Quang Nghị cho biết, các trường mầm non, tiểu học của Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải, vì dân số nhập cư về Thủ đô hàng năm không giảm. Để giải quyết vấn đề này, Hà Nội đã có nhiều giải pháp để tăng số phòng học, mở rộng không gian của các trường trên địa bàn, cải thiện đáng kể nhu cầu học tập của con em người dân Thủ đô, bằng việc xây mới kiên cố, đầu tư thiết bị hiện đại cho nhiều ngôi trường. Để từng bước khắc phục tình trạng thiếu trường lớp trong thời gian tới, thành phố sẽ chỉ đạo rà soát lại những dự án đất đai, bố trí xây thêm trường lớp cho học sinh.
Về vấn đề dân số tại một số phường thuộc quận Hai Bà Trưng tăng, trong khi hạ tầng chưa đáp ứng, đồng chí Phạm Quang Nghị đề nghị phường, quận đẩy mạnh quản lý hành chính tại các khu dân cư. Hà Nội đã có Luật Thủ đô, trong đó điều chỉnh tất cả các vấn đề từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xây dựng, đất đai..., người dân cần nắm rõ và thực hiện nghiêm khi tới đây luật này có hiệu lực. Thành phố cũng sẽ dành thời gian, kinh phí tuyên truyền sâu rộng giúp người dân hiểu và cùng thực hiện tốt Luật Thủ đô, để Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại.
TTN