Tư duy khoa học, lý luận uyên bác
Phó Giám đốc – Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật Phạm Thị Thinh cho biết, bà may mắn và vinh dự được biên tập sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ năm 2004, khi còn là một biên tập viên trẻ. Từ đó đến nay, bà Thinh đã trực tiếp tham gia biên tập hơn 20 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mỗi cuốn sách đều có những đặc thù riêng, yêu cầu riêng và đều để lại những kỷ niệm khó phai.
“Qua mỗi cuốn sách, tôi thường rút ra những kinh nghiệm và cố gắng học hỏi, nhớ những lời căn dặn của Tổng Bí thư để những cuốn sau làm tốt hơn, trọn vẹn hơn”, bà Phạm Thị Thinh chia sẻ.
Bà Thinh cho biết, biên tập sách của Tổng Bí thư không phải là áp lực, mà là vinh dự và trách nhiệm, do đó, bà luôn cố gắng đặt trách nhiệm lên cao nhất đối với từng cuốn sách. Tổng Bí thư luôn dặn, sách là văn bia để đời, do vậy, mọi thông tin trong sách phải chuẩn xác và phải bảo đảm tính khoa học, tính chính trị; bố cục phải chặt chẽ, rút tít cần ngắn gọn nhưng lại phải chứa đựng được nội dung cần chuyển tải…
“Trong quá trình làm sách của Tổng Bí thư, tôi may mắn được gặp Tổng Bí thư nhiều lần và rất nhiều lần được nhận những lời căn dặn của Tổng Bí thư qua các đồng chí thư ký, trợ lý. Những lần gặp trực tiếp Tổng Bí thư hay những lần căn dặn trong việc làm sách đều là những lần chúng tôi luôn luôn ghi nhớ, khắc cốt ghi tâm, là hành trang đối với tôi để mỗi ngày thêm cố gắng và trưởng thành trong công việc. Mỗi lần được gặp Tổng Bí thư là mỗi lần tôi lại học hỏi được rất nhiều điều”, Phó Giám đốc Phạm Thị Thinh chia sẻ.
Bà Phạm Thị Thinh đánh giá, qua các cuốn sách mà bà đã tham gia biên tập và đọc kỹ toàn bộ hệ thống các bài viết của Tổng Bí thư trên tất cả các lĩnh vực, có thể khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhân cách trí tuệ mẫn tiệp, đầy bản lĩnh, tư duy khoa học biện chứng, vượt lên những suy nghĩ thông thường. Đồng chí luôn nói đi đôi với làm, lý luận uyên bác cộng với hoạt động thực tiễn phong phú, sống động, vì nước, vì dân.
Những định hướng chiến lược nhưng rất cụ thể
Luật sư, luật gia Hà Huy Từ - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật cho người nghèo và Phát triển cộng đồng (Hội Luật gia Việt Nam) chia sẻ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, vừa là nhà lãnh đạo của Đảng, vừa là nhà lý luận có nhiều cống hiến xuất sắc, nổi bật trong công tác lý luận của Đảng. Tổng Bí thư cũng là người khởi xướng và trực tiếp lãnh đạo công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong thời gian từ khóa XI đến nay mà hiệu quả từ công tác này được toàn Đảng, toàn dân nhất trí, đồng lòng ủng hộ.
Luật sư Hà Huy Từ cho biết đã đọc nhiều sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cảm nhận rằng những cuốn sách này thực sự là những cuốn cẩm nang quý, văn phong mộc mạc, giản dị, sử dụng nhiều câu ca dao, tục ngữ dễ nhớ, dễ thuộc nhưng có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, có tầm nhìn và định hướng phát triển chiến lược cho các cấp, các ngành, cho đất nước ta, nhân dân ta trong tương lai.
Bày tỏ tình cảm xúc động trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết: "Bác Trọng là hình ảnh mẫu mực của người cán bộ tận tâm, tận hiến cho nhân dân, luôn đặt lợi ích và quyền lợi của dân, của nước lên hàng đầu, là tấm gương sáng cho mọi thế hệ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người cán bộ dân vận".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành trọn cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức cách mạng. Tổng Bí thư có lối sống giản dị, được cán bộ, đảng viên và nhân dân kính trọng.
Là người đọc nhiều sách của Tổng Bí thư, bà Nguyễn Thị Minh Hương cho biết rất trân trọng kiến thức của Tổng Bí thư. Đặc biệt, cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" vừa được ra mắt gần đây có một luận điểm xuyên suốt mà bà rất tâm đắc, đó là làm thế nào để nhân dân là chủ thể sáng tạo của văn hóa, đồng thời là đối tượng thụ hưởng các thành quả của văn hóa.
Trong bài viết “Xây dựng phong trào thể dục thể thao gắn với xây dựng đời sống văn hóa”, Tổng Bí thư có nói: “Nhân dân là người sáng tạo, là người thực hiện và người thưởng thức các thành quả của hoạt động thể dục thể thao… Cần hướng về cơ sở, về người dân, tổ chức, hướng dẫn và phát triển các nhu cầu về thể dục thể thao của Nhân dân, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để Nhân dân tự đáp ứng các yêu cầu của mình. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động thể dục thể thao: các hội, nhóm, câu lạc bộ ở cơ sở; các hội đồng thể dục thể thao ở các cấp; các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, các liên đoàn, hiệp hội thể thao...”.
“Nghiên cứu cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng tôi càng thấy rõ đường hướng cho các hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong thời gian tới để giúp phụ nữ thực hiện tiêu chí “có sức khỏe” trong phong trào thì đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới". Với việc tạo môi trường thuận lợi để nhân dân tự đáp ứng yêu cầu của mình, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy các mô hình Câu lạc bộ, tổ/nhóm thể dục, dân vũ, bóng chuyền hơi, Yoga… phù hợp với các nhóm đối tượng phụ nữ khác nhau, tổ chức cho hội viên, phụ nữ tìm hiểu và lựa chọn môn thể dục hoặc thể thao quần chúng phù hợp để rèn luyện. Bên cạnh đó, việc Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh vai trò của gia đình trong xây dựng văn hóa cũng là định hướng quan trọng cho Hội trong tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, rèn luyện ngay từ môi trường gia đình”, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ.