Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ

Ngày 10/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với cán bộ chủ chốt của Bộ Khoa học và Công nghệ về tình hình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và chuẩn bị Đề án phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trình Hội nghị Trung ương 6, khóa XI.


 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh : Trí Dũng – TTXVN

 

Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương.


Báo cáo tình hình hoạt động khoa học và công nghệ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc (khóa XI) và chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Nguyễn Quân cho biết: Những năm qua, hoạt động của ngành KHCN nói chung, Bộ KHCN nói riêng tập trung thực hiện Chiến lược phát triển KHCN, bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; đáp ứng tốt hơn, kịp thời hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ trực tiếp quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và hội nhập quốc tế trong bối cảnh kinh tế thế giới và đất nước đang gặp nhiều khó khăn thách thức.


Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung đánh giá thành tựu, kết quả nổi bật, cũng như những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong hoạt động KHCN, trên cơ sở đó xác định rõ những công việc cần tiến hành trong thời gian tới, để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN. Ý kiến phát biểu của đại diện các bộ, ngành, cơ quan trung ương nhất trí cho rằng, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động KHCN, coi đây là một nội dung quan trọng trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển; tạo môi trường thuận lợi, có cơ chế chính sách đồng bộ, đủ mạnh, phù hợp với đặc thù của hoạt động KHCN để phát huy hơn nữa tài năng, trí tuệ của đội ngũ các nhà khoa học, khắc phục tình trạng hành chính hóa trong hoạt động KHCN; tăng cường cơ sở vật chất, tiềm lực, đội ngũ cán bộ KHCN; gắn kết hơn nữa giữa đào tạo và nghiên cứu KHCN; mở rộng hợp tác quốc tế nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển KHCN...


Đánh giá về những thành công trong hoạt động KHCN thời gian qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đã có những đổi mới tích cực trong cơ chế quản lý, xây dựng các mô hình nghiên cứu khoa học theo đơn đặt hàng, qua đó phục vụ hiệu quả sản xuất nông nghiệp, công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Về phương hướng mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KHCN thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần đầu tư xây dựng kế hoạch KHCN, thống nhất quy hoạch phát triển KHCN, quy hoạch mạng lưới nghiên cứu khoa học, có cơ chế chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ làm khoa học, tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển thị trường KHCN...


Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Các nhà khoa học là đại diện cho các bậc hiền tài, nguyên khí của quốc gia. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo cho phát triển KHCN.


Mặc dù điều kiện kinh tế tài chính có hạn, điểm xuất phát thấp, nhưng hoạt động KHCN thời gian qua đã đạt những kết quả đáng tự hào, cả về xây dựng cơ chế chính sách, luật pháp, quản lý và sử dụng ngân sách, huy động nguồn lực tài chính, đổi mới phương thức tổ chức, làm việc của các tổ chức KHCN, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phát triển thị trường... Những thành tựu KHCN bao gồm cả khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng... đã đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời gian qua.


Đường lối, chính sách, luật pháp..., những luận điểm cơ bản, con đường phát triển đi lên của đất nước được vạch rõ trong các văn kiện Đại hội XI của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020... đều phải dựa trên những luận cứ khoa học và thực tiễn... Trước đây nước ta dân ít, ruộng nhiều, nhưng làm không đủ ăn, bây giờ ruộng đất thu hẹp lại, dân đông hơn (86,7 triệu người), nhưng không những đủ lương thực, mà còn xuất khẩu 7 triệu tấn gạo/năm. Vẫn con người ấy, đồng ruộng ấy, kết quả ấy có được rõ ràng là nhờ KHCN. Rồi xuất khẩu cà phê, hạt điều..., những thành tựu nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực y tế, công nghiệp xây dựng, biết bao công trình đã được xây dựng, đi vào vận hành, phục vụ hiệu quả sản xuất và đời sống của nhân dân, làm thay đổi bộ mặt đất nước. Trình độ dân trí không ngừng được nâng lên.


Tổng Bí thư cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động KHCN thời gian qua và nhấn mạnh, trong thời gian tới cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc về tư duy, nhận thức, về cơ chế chính sách, nhất là về cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính.


Tổng Bí thư mong muốn ngành KHCN, trước hết là Bộ KHCN, tiếp tục phát huy những thành tựu, kinh nghiệm đã đạt được, khắc phục những hạn chế yếu kém, tập trung thực hiện tốt những mục tiêu nhiệm vụ phát triển KHCN mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra.


Trước hết, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức về KHCN trong điều kiện mới. Nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng đã xác định rõ: Phát triển KHCN là nhiệm vụ then chốt, là quốc sách hàng đầu... Đặc biệt, trong điều kiện, hoàn cảnh mới, nước ta đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi mạnh mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, từ sử dụng nhiều tài nguyên sang sử dụng nhiều chất xám, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, càng phải nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của KHCN. Từ đó, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cơ chế chính sách về đầu tư, tài chính, kể cả việc giao kế hoạch, đặt hàng, khoán sản phẩm...; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức làm công tác nghiên cứu, triển khai ứng dụng KHCN, hình thành các doanh nghiệp làm KHCN phù hợp với kinh tế thị trường theo định hướng XHCN; đổi mới công tác quản lý, phát huy nguồn nhân lực, khuyến khích, trọng dụng người tài, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KHCN. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ KHCN, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn, trọng điểm; tăng cường phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng hơn giữa các bộ, ngành liên quan.


Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý, Bộ KHCN cần hết sức quan tâm chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng con người, tổ chức, thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, trong đó có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, coi đây là tiền đề quan trọng để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.


Tổng Bí thư đề nghị Bộ KHCN tiếp tục phát huy trí tuệ, hoàn thiện Đề án phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trình Hội nghị Trung ương 6, khóa XI sắp tới; đồng thời chuẩn bị thật tốt cho việc triển khai thực hiện các chủ trương, quyết sách được thông qua, để KHCN nước nhà tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu mới, thực sự là động lực then chốt cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


Nguyễn Thị Sự

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN