Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong Liên minh 8.7. Theo Ngài, liên minh này có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc chiến chống lại lao động trẻ em? Liệu Việt Nam nói riêng và các quốc gia tiên phong khác nói chung có thể làm gì để tiếp tục đóng góp cho cuộc chiến?
Liên minh 8.7 là một liên minh toàn cầu của các chính phủ, tổ chức xã hội dân sự và tổ chức quốc tế nhằm chống lại lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. Chúng tôi rất vui mừng khi Việt Nam tham gia với tư cách là một trong 26 quốc gia tiên phong. Điều đó có nghĩa là Việt Nam đang chung tay và tình nguyện thực hiện một nỗ lực đặc biệt nhằm xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em. Đây không chỉ là một quyết tâm trên giấy tờ. Chúng tôi đang thực hiện các hoạt động lớn với Việt Nam và Việt Nam đang đạt được những tiến bộ quan trọng. Tôi rất hài lòng về những gì Việt Nam đóng góp.
Từ năm 2018, các bạn đã thực hiện cuộc điều tra quốc gia về lao động trẻ em và từ đó, các bạn biết vấn đề của mình là gì. Các bạn cũng có một chính sách quốc gia để xóa bỏ lao động trẻ em. ILO đang làm hợp tác hiệu quả với Việt Nam để cố gắng nâng cao năng lực và đảm bảo rằng pháp luật được ban hành tại Việt Nam sẽ mang lại kết quả khả quan. Tất cả những điều này là cụ thể. Đó là thực tế, không phải lý thuyết. Tôi nghĩ rằng một trong những lý do khiến điều này trở nên quan trọng đối với Việt Nam là khi đất nước hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời ký kết các hiệp định thương mại quan trọng, đặc biệt là với Liên minh châu Âu (EU), nơi có những quốc gia quan tâm mạnh mẽ đến các tiêu chuẩn lao động, Việt Nam đã quyết định rõ ràng và đất nước các bạn được coi là đang có một nỗ lực rất nghiêm túc trong vấn đề xóa bỏ lao động trẻ em. Vì vậy, đến thời điểm này, tôi vô cùng hài lòng về sự hợp tác với Việt Nam. Tôi lạc quan vì điều đó là cụ thể, rằng nó sẽ mang lại kết quả tốt cho Việt Nam cũng như cho cả nỗ lực toàn cầu chống lại lao động trẻ em.
Xin Ngài giới thiệu tóm tắt về tình hình lao động trẻ em trên toàn cầu? Vì sao tình trạng lao động trẻ em vẫn diễn ra trên thế giới? Liệu có sự khác biệt về hình thức lao động trẻ em giữa các quốc gia và các châu lục hay không?
Trên thế giới hiện nay có 160 triệu trẻ em là nạn nhân của lao động trẻ em, tương đương với 9,6% tổng số trẻ em trên thế giới. Đó là một con số lớn. Tin tốt lành là vào đầu thế kỷ, năm 2000, con số đó là 245 triệu trẻ em, tương đương 16%. Vì vậy, trong hai thập kỷ qua, chúng ta thấy con số này đã giảm đi rất nhiều, đây là một thành công lớn. Tuy nhiên, tin xấu là kể từ năm 2016, các số liệu dần tăng trở lại, ngay cả trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Sau khi đại dịch bùng phát, chúng ta quan ngại về việc các số liệu sẽ tăng trở lại một lần nữa. Vì vậy, tôi nghĩ rằng thách thức của Hội nghị toàn cầu lần thứ 5 về xóa bỏ lao động trẻ em là lấy lại động lực mà chúng ta đã đánh mất và cố gắng đáp ứng mục tiêu quốc tế do Liên hợp quốc (LHQ) đặt ra, đó là xóa bỏ lao động trẻ em vào năm 2025. Chúng ta đang không đi đúng hướng và chúng ta phải trở lại đúng hướng.
Để nói về sự khác nhau trong hình thức lao động trẻ em giữa các châu lục, theo tôi, tiến bộ mà tôi đã đề cập ở cấp độ toàn cầu có một khía cạnh khu vực rất rõ ràng. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mà trong đó có Việt Nam, đã có những thành công lớn, đó là giảm con số lao động trẻ em một cách rất nhanh và rất đáng kể. Khu vực Mỹ Latinh cũng ghi nhận sự giảm mạnh. Theo tôi, thách thức lớn hiện đang nằm ở châu Phi, nơi mà các con số đang tăng lên khá mạnh mẽ. Tỷ lệ trẻ em là nạn nhân của lao động trẻ em ở khu vực phía Nam sa mạc Sahara là hơn 23%. Như vậy mức trung bình toàn cầu là 9,6% đã tăng hơn gấp đôi ở châu Phi. Và đó là một trong những lý do chúng ta có mặt ở thành phố Durban của Nam Phi lần này để đổi mới cuộc chiến chống lại tình trạng lao động trẻ em.
Ngài đánh giá như thế nào về tiến độ xóa bỏ lao động trẻ em từ bốn hội nghị trước? Thế giới đã đạt được thành tựu gì và chưa đạt được gì? Chúng ta có thể mong đợi điều gì từ hội nghị lần thứ 5 này?
Hội nghị đầu tiên được tổ chức vào năm 1997. Từ thời điểm đó đến nay, chúng ta đã giảm số lao động trẻ em xuống còn khoảng 30%. Đây là một thành tựu to lớn. Tôi không thể nói tất cả những điều đó là nhờ các cuộc hội thảo, nhưng những gì các hội nghị đã làm được là thiết lập sự hiểu biết toàn cầu về những gì cần thiết để chống lại lao động trẻ em, những đòn bẩy thực sự của chính sách là gì, và sau đó là tăng cường cam kết sử dụng những đòn bẩy đó. Có hai điều chúng ta cần phải làm. Thứ nhất, giáo dục và tiếp cận giáo dục là vũ khí chính để chống lại lao động trẻ em. Nếu các bậc phụ huynh có quyền lựa chọn cho con đi học và họ có đủ khả năng chi trả, họ sẽ làm điều đó. Vì vậy giáo dục có ý nghĩa sống còn. Thứ hai là bảo trợ xã hội. Các bậc phụ huynh không mong muốn con cái của họ phải đi làm. Họ thường phải bắt con cái đi làm vì thu nhập của gia đình quá thấp. Vì vậy, chúng ta cần xem xét đây như vũ khí thứ hai để bảo vệ xã hội, hỗ trợ thu nhập cho các gia đình nghèo, giúp họ có điều kiện tránh lao động trẻ em. Đây là hai đòn bẩy mà chúng tôi đã sử dụng rất hiệu quả. Tôi nghĩ rằng có một đòn bẩy thứ ba nữa là đảm bảo rằng các bậc phụ huynh có việc làm và thu nhập ổn định. Công việc mang lại cho họ thu nhập đủ để thoát nghèo và con cái của họ không phải làm việc. Và rõ ràng là những điều này thực sự hiệu quả.
Tôi cũng cho rằng có một phần đoàn kết quốc tế cho tất cả những điều này. Điều vô cùng cần thiết là cộng đồng toàn cầu không chỉ đặt ra mục tiêu xóa bỏ lao động trẻ em mà còn thực sự hỗ trợ thông qua các nỗ lực tài chính để xóa bỏ lao động trẻ em.
Thưa Ngài, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng như thế nào đến các chiến lược của ILO?
Những gì chúng ta cần hiểu là đại dịch COVID-19 là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe và đại dịch xảy ra tại Việt Nam rất muộn. Ngay từ đầu Việt Nam đã là quốc gia thần kỳ tránh được COVID-19. Nhưng COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội gay gắt, làm mất việc làm dẫn tới mất thu nhập. Tác động tiêu cực do COVID-19 cao gấp 4 lần so với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Chúng ta chưa từng thấy một cuộc khủng hoảng nào như thế trong nhiều thập kỷ.
Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi điều này đã ảnh hưởng đến cuộc chiến chống lại lao động trẻ em. Đại dịch COVID-19 có thể làm giảm lao động trẻ em vì khi các nhà máy, công xưởng ngừng hoạt động và các doanh nghiệp đóng cửa, trẻ em cũng ngừng làm việc. Tuy nhiên, khi các biện pháp phong tỏa bắt đầu được nới lỏng, các gia đình dễ bị tổn thương hơn và nghèo đói hơn, có nhiều trẻ em phải làm việc hơn. Chúng tôi ước tính đại dịch COVID-19 đã khiến thêm gần 9 triệu trẻ em phải lao động. Đây là một thực tế khá nghiêm trọng và khiến công việc của chúng tôi càng trở nên khó khăn hơn.
Cuối cùng, xin Ngài hãy chia sẻ thông điệp đến các quốc gia trên thế giới, làm thế nào để đẩy nhanh cuộc chiến chống lao động trẻ em?
Tôi nghĩ thứ nhất, cần phải luôn nhớ rằng khi LHQ thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững vào năm 2015, tất cả chúng ta đều quyết định sẽ loại bỏ lao động trẻ em. Vì vậy chúng ta phải trung thực và cố gắng tiếp tục nỗ lực này. Thứ hai, nền kinh tế toàn cầu hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Có rất nhiều cuộc khủng hoảng nổ ra trên thế giới, nhưng trách nhiệm của chúng ta là giữ cho lao động trẻ em là vấn đề trung tâm và không được phép quên điều này. Vì như nhiều đại biểu trao đổi tại hội nghị, tương lai phụ thuộc vào con cái chúng ta và chúng ta cần cho con em mình một khởi đầu tốt nhất.
Trân trọng cảm ơn Tổng Giám đốc.