3.718 ca mắc COVID-19 mới trong ngày
Trong đó, có 13 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP Hồ Chí Minh (8 ca), An Giang (2 ca), Hà Nội (2 ca), Kiên Giang (1 ca); số còn lại là 3.705 ca ghi nhận trong nước.
Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh (2.786), Đồng Tháp (180), Long An (134), Bình Dương (124), Đồng Nai (107), Khánh Hoà (100), Vĩnh Long (42), Bến Tre (34), Đà Nẵng (33), Phú Yên (31), Bà Rịa - Vũng Tàu (23), Hà Nội (15), Trà Vinh (15), Hưng Yên (13), Bình Phước (10), An Giang (8 ), Sóc Trăng (6), Cần Thơ (6), Gia Lai (6), Đắc Nông (5), Bình Thuận (5), Hà Nam (5), Bắc Ninh (4), Hải Phòng (3), Quảng Ngãi (3), Bình Định (2), Lâm Đồng (1), Bắc Giang (1), Lạng Sơn (1), Ninh Thuận (1), Vĩnh Phúc (1); trong đó, có 2.959 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Như vậy, đến 19 giờ ngày 17/7, Việt Nam có tổng cộng 45.884 ca ghi nhận trong nước và 2.020 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 44.314 ca, trong đó có 7.5 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 12 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hoà Bình, Bắc Kạn.
Có 5 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Hà Nam, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Nam Định, Lào Cai. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 4.443.979 xét nghiệm cho 11.754.037 lượt người. Tổng cộng đã thực hiện tiêm chủng 4.233.896 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 298.177 người.
Trong ngày 17/7, có 292 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 10.312 ca. Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với SARS-CoV-2 là 501 ca.
Thêm 16 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội
Ngày 17/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký công văn số 969/TTg-KGVX gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 tại một số địa phương.
Công văn nêu rõ, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết, căn cứ đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế và ý kiến thống nhất của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với các địa phương.
Theo đó, cùng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đã thực hiện, bổ sung 16 tỉnh, thành phía Nam gồm: thành phố Cần Thơ và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.
Thời gian thực hiện giãn cách xã hội là 14 ngày. Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đối với các tỉnh, thành phố bổ sung nêu trên do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, nhưng không muộn hơn 0 giờ 00 phút ngày 19/7/2021.
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chỉ thị 16, đồng thời lưu ý, kiên quyết không để "chặt ngoài, lỏng trong”; xác định rõ đầu mối và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân và từng cấp chính quyền, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở, bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.
Ưu tiên bảo vệ sức khỏe nhân dân
Liên quan việc áp dụng cho 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 khẳng định, mọi giải pháp được triển khai nhằm ưu tiên trên hết việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe nhân dân; đồng thời kêu gọi người dân Việt Nam đồng lòng, quyết tâm đẩy lùi được dịch bệnh, sớm đưa đất nước quay lại cuộc sống bình thường mới.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, thứ nhất phải ưu tiên trên hết việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe nhân dân. Thứ hai phải đảm bảo hệ thống y tế không bị quá tải bởi hệ thống y tế không chỉ chữa cho người mắc COVID-19 mà còn điều trị các bệnh khác cho người dân. Thứ ba, do chưa có đủ vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng nên các lực lượng phải kiềm chế dịch ở mức thấp nhất có thể.
Cùng với việc áp dụng đồng bộ Chỉ thị 16/CT-TTg, phải tạo cơ chế để sản xuất an toàn, đặc biệt lưu thông, phân phối an toàn. Không mất cảnh giác nhưng không thể để ách tắc trong lưu thông hàng hóa phục vụ đời sống người dân và sản xuất. Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý công tác chăm lo cho đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, người bị ảnh hưởng, không có thu nhập, không có tích lũy…
Vì vậy, Chính phủ mong muốn người dân cả nước thấu hiểu, chia sẻ, tham gia và cùng hướng về tuyến đầu. Việc mọi người dân thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch góp phần thể hiện sự biết ơn với đội ngũ y bác sỹ và các lực lượng tuyến đầu đang căng mình chống dịch.
Đảm bảo đủ số lượng và chất lượng hàng hóa cho người dân
Liên quan đến việc chuẩn bị cung ứng hàng hóa thiết yếu cho 19 tỉnh, thành phố áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã chuẩn bị các kịch bản, kế hoạch khi 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, Bộ đã có sự chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm thiết yếu để phục vụ đời sống người dân; đồng thời lưu ý, có thể không thể tránh khỏi những xáo trộn nhất định. Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với TP Hồ Chí Minh và tỉnh, thành phố khác để có phương án vận chuyển hàng hóa đến những nơi áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg và những nơi cần thiết nhất để người dân thuận tiện trong tiếp cận thực phẩm, mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, do mỗi địa phương có đặc điểm, tình hình dịch bệnh khác nhau, Bộ Công Thương đề nghị chính quyền các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, nhất là Bộ Công Thương để đưa ra khuyến cáo cụ thể với người dân.
Đơn cử như tại TP Hồ Chí Minh, địa phương này đang tạm dừng hoạt động khoảng 2/3 chợ truyền thống và chợ đầu mối nên người dân tập trung mua hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Vì thế, không chỉ những địa điểm này phải tăng số giờ bán hàng/ngày, Thành phố phải tính đến việc mở lại một số chợ truyền thống với điều kiện bảo đảm quy định phòng, chống dịch; qua đó, tăng đầu mối cung cấp thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân. Cùng với đó, mô hình bán hàng lưu động đã thu hút được nhiều đơn vị tham gia và đang được áp dụng thành công, hiệu quả; tiếp tục được điều chỉnh trong thời gian tới nhằm phối hợp nhịp nhàng hơn.
“Bộ Công Thương sẽ cố gắng hết sức để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân, không nên đổ xô tới những nơi đông người mua sắm, tránh nguy cơ mắc COVID-19. Đồng thời, người dân không nên nóng ruột, tích trữ mua nhiều hàng hóa mà cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền địa phương”, Thứ trưởng Bộ Công Thương khuyến cáo.
Liên quan đến việc đảm bảo lưu thông hàng hóa giữa các địa phương, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Giao thông vận tải đã trực tiếp điều hành, tổ chức lại việc phân luồng, phân tuyến, áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR-Code thống nhất với các địa phương để bảo đảm các xe được lưu thông trong khu vực có dịch và không có dịch.
Do Sở Giao thông vận tải một số địa phương cấp mã QR-Code cho các phương tiện lưu thông hàng hóa còn chậm, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết, từ ngày 19/7, Bộ Giao thông vận tải giao Tổng cục đường bộ Việt Nam tổ chức cấp mã QR-Code nhằm giúp các doanh nghiệp và lái xe được cấp mã nhanh hơn, lưu thông thuận lợi hơn.
Ngành y tế hỗ trợ tối đa các địa phương phòng, chống dịch
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã cử nhiều đội công tác đặc biệt vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch COVID-19.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các tỉnh, thành phố, đặc biệt ngành Y tế địa phương để chuẩn bị mọi kịch bản, tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, chủ yếu liên quan đến công tác truy vết, xét nghiệm, điều trị.
Tại TP Hồ Chí Minh, đã có 24 đoàn với trên 4.400 nhân viên y tế đến chi viện cho ngành y tế thành phố khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Về việc huy động nhân lực cho các bệnh viện điều trị COVID-19 đang quá tải, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại TP Hồ Chí Minh đang tiếp nhận nguồn nhân lực của Bộ Y tế với khoảng 10.000 nhân lực.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, TP Hồ Chí Minh vừa sử dụng nguồn nhân viên y tế sẵn có của thành phố cùng với nhân viên y tế được tăng cường để thực hiện nhiều nội dung, từ lấy mẫu xét nghiệm cho đến điều tra truy vết, phục vụ bệnh viện dã chiến cũng như bệnh viện điều trị và bệnh viện hồi sức.
Bên cạnh đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tiếp tục điều phối nguồn nhân lực tại chỗ để đảm bảo nhân sự cho hoạt động của các bệnh viện trên địa bàn; đồng thời đề nghị các trường Đại học Y tại thành phố huy động lực lượng sinh viên tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch.
Ngoài ra, ngành y tế đang thêm giường bệnh, đầu tư thêm cơ sở vật chất của các bệnh viện để khắc phục tình trạng quá tải, cũng như việc chậm chuyển bệnh nhân đến các khu vực điều trị.
Hà Nội phong tỏa tạm thời nhiều địa điểm liên quan đến ca mắc COVID-19
Trong khi đó, sáng 17/7 Hà Nội ghi nhận 13 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 8 người liên quan chị T.T.H., là nữ nhân viên ngân hàng VietinBank tại 25 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, sống tại chung cư Sunshine Palace, quận Hoàng Mai.
Liên quan đến các ca dương tính với SARS-CoV-2 ghi nhận ngoài cộng đồng trong 2 ngày 16, 17/7, Hà Nội đã phong tỏa tạm thời hàng loạt địa điểm như: Tòa nhà Westa tại ngõ 102 đường Trần Phú (Mộ Lao, Hà Đông); Trung tâm Nghiên cứu thiết kế Cơ khí thuộc Viện Cơ khí năng lượng và mỏ - VINACOMIN số 565 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân; trụ sở Bộ Công thương số 25 Ngô Quyền; 3 toà nhà xung quanh một đại lý Vietlott ở 58 phố Lĩnh Nam; toà nhà ngân hàng VietinBank tại 25 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm; Chung cư Sunshine Palace, quận Hoàng Mai; khu F3, ngõ 171 Thái Hà…
Do có chùm ca mắc COVID-19 liên quan đến Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, ngày 17/7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội đề xuất phối hợp với Sở Giao thông Vận tải triển khai xét nghiệm cho toàn bộ lái xe, nhân viên soát vé xe bus trên toàn địa bàn thành phố.
Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, thời gian tới trên địa bàn sẽ còn có những trường hợp F0 rải rác trong cộng đồng, bởi lượng người đi từ vùng dịch về Thủ đô là tương đối lớn. Sở Y tế mong người dân thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế và thực hiện nghiêm quy định của thành phố. Những trường hợp đi từ vùng dịch về cần khai báo dịch tễ đầy đủ, theo dõi chặt chẽ sức khỏe, hạn chế tiếp xúc.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, cộng dồn số ca mắc trong đợt dịch 4, từ 27/4 đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã có 376 ca mắc COVID-19, trong đó số ca ngoài cộng đồng là 199 ca, số ca mắc trong đối tượng F1 đã cách ly là 177 ca.
Để chủ động chống dịch, Hà Nội cũng đang tiến hành xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho 10.000 đối tượng có nguy cơ cao, bao gồm: công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh cư trú trên địa bàn các quận, huyện: Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh; người làm dịch vụ vận tải, lái xe, phụ xe đường dài, nhân viên bán vé, người làm việc thường xuyên tại một số bến xe lớn của thành phố hoặc lái tàu, nhân viên phục vụ, kiểm soát trên tàu hoặc nhà ga; tiểu thương, người thường xuyên làm việc tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh trên địa bàn các quận, huyện, thị xã; người làm dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp tại các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ.