Ngày 2/3, Việt Nam tăng vọt lên 110.301 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, Hà Nội trên 15.000 ca
Tính từ 16 giờ ngày 1/3 đến 16 giờ ngày 2/3, Việt Nam ghi nhận 110.301 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, Hà Nội tiếp tục tăng cao, lên trên 15.000 ca.
Trong số các ca nhiễm mới, có 21 ca nhập cảnh và 110.280 ca ghi nhận trong nước (tăng 11.537 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 74.166 ca trong cộng đồng).
Ngày 2/3/2022, Sở Y tế Nam Định đăng ký bổ sung 20.866 ca, Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 12.691 ca và Sở Y tế Thái Nguyên đăng ký bổ sung 7.994 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Lào Cai (giảm 642 ca), Gia Lai (giảm 299 ca), Cao Bằng (giảm 280 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Hà Nội (tăng 1.791 ca), Thanh Hóa (tăng 896 ca), Bắc Ninh (tăng 765 ca).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 88.033 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.709.481 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 37.552 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.702.080 ca, trong đó có 2.513.9 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (5.861), Hà Nội (300.7), Bình Dương (299.327), Đồng Nai (101.588), Tây Ninh (91.4).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 36.902 ca.
Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.516.785 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.949 ca.
Từ 17 giờ 30 ngày 1/3 đến 17 giờ 30 ngày 2/3, cả nước ghi nhận 114 ca tử vong
Xem thêm chi tiết ca bệnh tại đây.
Người dân vẫn kêu khó về thủ tục khai báo F0, hưởng chế độ ốm đau BHXH
Dù nhân lực trạm y tế cơ sở, tình nguyện viên tham gia hỗ trợ làm việc liên tục nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu khai báo của các F0 làm thủ tục cách ly, hết cách ly và xin giấy xác nhận hưởng chế độ ốm đau của bảo hiểm xã hội (BHXH) bởi cách làm thủ công.
Những ngày gần đây, Hà Nội liên tục ghi nhận trên 10.000 ca F0 và dự báo sẽ đạt đỉnh dịch trong vài tuần tới. Tuy nhiên, việc khai báo là F0 đang gặp rất nhiều khó khăn dù Hà Nội đã họp bàn giải quyết.
Anh Phạm Văn Hùng, kỹ sư điện tử làm việc tại một tập đoàn công nghệ lớn tại Thái Nguyên, thuê trọ tại phường Phương Canh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Tôi test nhanh dương tính với COVID-19 từ hôm 28/2, nhưng liên hệ theo số điện thoại y tế phường lúc bận, lúc thì không ai nghe máy. Sau đó được một người bạn đã từng bị mắc COVID-19 tại địa phương add (thêm) vào nhóm zalo những người là F0, tại đây có số hotline. Khi liên lạc được thì nhận được phản hồi sẽ có người tổ dân phố mang giấy cách ly đến và tư vấn hỗ trợ nếu cần thiết. Tuy nhiên, đợi 2 ngày không thấy ai mang giấy cách ly, xác nhận là F0 nên sáng 2/3 tôi tới trạm y tế để xin giấy xác nhận là F0. Khi đến, nhưng ngay ngoài cửa đã dán giấy thông báo cán bộ làm thủ tục là F0 nghỉ tới tận 10/3".
Tại cuộc họp giao ban phòng dịch mới đây của TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cũng xác nhận việc quá tải tại tuyến y tế cơ sở. Việc giải quyết thủ tục hành chính khiến 5-6 nhân viên phải làm việc này. Do đó, cần ứng dụng công nghệ thông tin càng sớm càng tốt. Dù đã chỉ đạo nhưng thực tế tại các tuyến y tế cơ sở vẫn đang làm theo phương pháp thủ công.
Nhiều trạm y tế ở Bình Dương thiếu kinh phí vận hành
Theo phản ánh, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh kéo dài khiến chi phí của trạm y tế cấp phường có đông dân cư ở Bình Dương đều tăng, nhất là thời điểm các phường bị "đông cứng" trong đợt dịch. Các khoản tiền chi trả hoạt động tối thiểu vượt quá số kinh phí được cấp. Từ đó, các trạm y tế thiếu kinh phí hoạt động và nợ kéo dài tiền điện thoại, điện sinh hoạt trong bối cảnh việc phòng, chống dịch còn diễn biến phức tạp.
Theo ghi nhận, Phòng khám Đa khoa khu vực An Phú (thành phố Thuận An) đến nay vẫn còn nợ hàng chục triệu đồng các khoản tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, tiền thuê bảo vệ và hộ lý, tiền văn phòng phẩm trong những tháng cao điểm từ tháng 9 đến tháng 12 của năm 2021.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thuận An cho biết, thành phố có 3 trạm y tế và 7 phòng khám đa khoa (đều có trạm y tế trong đó). Theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, các trạm y tế được cấp kinh phí hoạt động 55 triệu đồng/năm. Trên thực tế, các trạm y tế ở các địa bàn dân cư đông phải chi trên 120 triệu đồng/năm nên dẫn đến nợ các nhà cung cấp các dịch vụ nêu trên.
Năm 2021, do tình hình dịch COVID-19, các trạm y tế không có nguồn thu từ hoạt động khám chữa bệnh cho người dân nên không có nguồn chi cho các hoạt động như điện, nước, văn phòng phẩm, internet...
Hiện tại, trong 10 trạm y tế của thành phố Thuận An chỉ có 3 trạm có thể cân đối và ổn định được chi phí, còn 7 trạm không thể tự cân đối và đang thiếu khoảng 218 triệu đồng. Để giải quyết vấn đề này, trước mắt, thành phố Thuận An tạm ứng từ dự phòng ngân sách cho các trạm y tế để chi trả, đảm bảo hoạt động thường xuyên, đồng thời kiến nghị tỉnh xem xét bổ sung thêm kinh phí cho các trạm y tế trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Đồng Nai: Khoảng 11.000 học sinh, giáo viên mắc COVID-19
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai, sau hơn 2 tuần tổ chức dạy và học trực tiếp (từ 14/2 - 2/3), toàn tỉnh ghi nhận gần 11.000 học sinh, giáo viên mắc COVID-19. Do số ca mắc tăng cao nên nhiều lớp học ở Đồng Nai phải chuyển sang dạy và học trực tuyến.
Hiện có gần 10.000 học sinh thuộc hơn 160 lớp học (từ cấp Tiểu học đến Trung học Phổ thông) tại nhiều trường trên địa bàn Đồng Nai học trực tuyến. Để tạo thuận lợi cho học sinh tiếp thu kiến thức khi không thể đến lớp, ngành Giáo dục Đồng Nai đã phát trực tuyến tiết dạy trực tiếp để các em học tại nhà, giao bài qua nhóm trên mạng xã hội, tập hợp số học sinh không thể tham gia học trực tiếp để dạy học trực tuyến.
Nam Định quản lý chặt F0 điều trị tại nhà
Chính quyền, cơ quan chức năng địa phương phải quản lý chặt chẽ các trường hợp mắc COVID-19 (F0) thể nhẹ và không có triệu chứng, cách ly, điều trị tại nhà, nơi lưu trú một cách chặt chẽ, không để tình trạng do chủ quan, người bị bệnh vẫn đi ra ngoài làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Đây là nội dung được nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nam Định với 10 huyện, thành phố trên địa bàn về công tác phòng, chống dịch diễn ra chiều 2/3.
Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Nam Định cho thấy, từ ngày 14/2 - 1/3, toàn tỉnh ghi nhận 29.945 ca mắc mới COVID-19; trong đó, 21.417 ca trong cộng đồng. Trung bình một ngày ghi nhận 1.996 ca mắc mới, gấp 1,6 lần so với tuần trước. Riêng trong ngày 2/3, toàn tỉnh ghi nhận 3.176 ca mắc mới với 2.214 ca tại cộng đồng - số ca mắc cao nhất từ khi có dịch tới nay. Tổng số ca mắc tích lũy trên địa bàn từ khi có dịch tới nay là 79.420 ca; trong đó, 56.9 ca tại cộng đồng, 22.482 ca ghi nhận trong khu cách ly, phong tỏa. Hiện có 46.762 ca đang điều trị, chủ yếu là tại nhà; 32.463 ca đã kết thúc điều trị; chuyển tuyến điều trị tại các bệnh viện Trung ương 105 ca.
Từ thực tế cho thấy, do ý thức chủ quan nên khi tự xét nghiệm sàng lọc có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 không ít người không thông báo cho cơ sở y tế mà tự mua thuốc điều trị. Một số F0 chưa tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài yêu cầu, chính quyền, cơ quan chức năng địa phương tăng cường quản lý, giám sát, hướng dẫn, tư vấn việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe, xử lý các tình huống đối với trường hợp mắc COVID-19 điều trị tại nhà. Cùng với đó, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn số điện thoại của các Trạm Y tế lưu động, Tổ hỗ trợ theo dõi người mắc COVID-19 điều trị tại nhà để người dân kịp thời liên lạc, tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất.
Dừng hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa ban hành Quyết định số 4292/QĐ-TLĐ liên quan đến chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo đó, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn quyết định dừng thực hiện chi hỗ trợ cho đoàn viên và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Quyết định số 3749/QĐ-TLĐ ngày 15/12/2021 kể từ ngày 1/3/2022. Việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết chi hỗ trợ cho các đối tượng bị COVID-19 trước ngày 1/3/2022 theo Quyết định số 3749/QĐ-TLĐ được thực hiện chậm nhất đến ngày 31/3/2022.
Theo bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sau hơn 2 tháng triển khai thực hiện, Quyết định số 3749/QĐ-TLĐ đã có hiệu quả nhất định trong việc vừa đảm bảo chi hỗ trợ cho đối tượng đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19 trong bối cảnh "bình thường mới", vừa đảm bảo việc dành nguồn tài chính công đoàn cho việc chăm lo Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Áp dụng các quyết định hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19, trong hai năm qua, các cấp Công đoàn đã chi hơn 5,8 nghìn tỉ đồng chăm lo cho người lao động. Cùng với đó, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ đã chuyển phương châm phòng, chống dịch từ "Zero COVID" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát rủi ro, hạn chế phong tỏa diện rộng, giảm dừng việc, nghỉ việc, giảm thời gian cách ly y tế do COVID-19. Do đó, việc chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động cần phải thay đổi cho phù hợp.
Mặt khác, tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 của nước ta đã đạt ở mức cao, thuộc nhóm 6 nước cao nhất thế giới. Điều này góp phần giảm ca bệnh triệu chứng nặng và số ca tử vong do COVID-19. Theo nhiều chuyên gia y tế, sau khi đã tiêm phủ vaccine diện rộng trong toàn dân thì nên coi COVID-19 là bệnh lý chuyên khoa, cần xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác.
Từ những lý do trên, Đoàn Chủ tịch đã quyết định dừng thực hiện Quyết định số 3749/QĐ-TLĐ. Từ thời điểm 1/3/2022, việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động mắc COVID-19 được giao cho các cấp công đoàn thực hiện cho phù hợp với các quy định của các cấp Công đoàn về chi hỗ trợ các trường hợp đoàn viên, người lao động bị ốm đau, mắc bệnh nghề nghiệp, dịch bệnh, tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh khó khăn…
Siết chặt kiểm tra thị trường sản phẩm hỗ trợ điều trị COVID-19
Những ngày gần đây, khi số ca mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng mạnh ở các địa phương trên cả nước, trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại kit test, thuốc điều trị; trong đó có nhiều loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán tràn lan trên mạng.
Đánh giá chung từ các Cục Quản lý thị trường địa phương cho thấy, nắm bắt được tâm lý muốn mua thuốc của ngừoi tiêu dùng cũng như dấu hiệu quá tải tại một số hệ thống y tế, các đối tượng đã tìm cách tuồn sản phẩm nhập lậu về thị trường nội địa như bộ đồ bảo hộ chống dịch, khẩu trang y tế, thuốc điều trị COVID-19, máy tạo oxy, kit xét nghiệm, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng…
Hầu hết các sản phẩm này đều được bán trôi nổi tại các trang Zalo, Facebook và hoàn toàn không có chứng chỉ hành nghề dược (chủ yếu bán hàng online) không có kiến thức về y tế, không nhận biết được đâu là hàng chất lượng đã được kiểm định, đâu là hàng trôi nổi để tư vấn cho người mua.
Đây cũng là lý do khiến không ít người tiêu dùng đã mua phải sản phẩm kém chất lượng, khiến tiền mất, tật mang do tin vào những lời quảng cáo về chất lượng sản phẩm và nghĩ rằng đây đều là hàng xách tay.
Để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã có công văn gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng kit test COVID-19 và các sản phẩm thuốc điều trị COVID-19 chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành, có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng.
Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung tại các công văn số 3005/TCQLTT-CNV ngày 30 tháng 12 năm 2021 về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19; Công văn số 846/TCQLTT-CNV ngày 10 tháng 5 năm 2021 vể việc tiếp tục tăng cường phòng chống dịch COVID-19.
Các Cục Quản lý thị trường địa phương cũng đã có văn bản chỉ đạo các đội trên địa bàn tăng cường tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh vật tư, thiết bị y tế, các loại thuốc hỗ trợ, điều trị COVID-19 trên địa bàn.
Bên cạnh đó, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa, định giá mua, giá bán bất hợp lý các mặt hàng là vật tư, trang thiết bị y tế; buôn bán thuốc hỗ trợ, điều trị COVID-19 các loại chưa được phép lưu hành, sử dụng.