Ngày 26/1, Việt Nam có 15.954 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, đến nay đã có 166 ca nhiễm biến thể Omicron
Tính từ 16 giờ ngày 25/1 đến 16 giờ ngày 26/1, Việt Nam ghi nhận 15.954 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, Hà Nội dẫn đầu số mắc trong ngày, đến nay đã có tổng số 166 ca nhiễm biến thể Omicron.
Trong số các ca nhiễm mới, có 69 ca nhập cảnh và 15.885 ca ghi nhận trong nước (tăng 186 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 10.571 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Hưng Yên (giảm 236 ca), Thanh Hóa (giảm 98 ca), Phú Thọ (giảm 93 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Bắc Ninh (tăng 305 ca), Quảng Nam (tăng 271 ca), Hà Tĩnh (tăng 131 ca).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.574 ca/ngày.
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 166 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại: TP Hồ Chí Minh (92), Quảng Nam (27), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Kiên Giang (4), Quảng Ninh (2), Thanh Hóa (2), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Long An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (1), Lâm Đồng (1).
Từ 17 giờ 30 ngày 25/1 đến 17 giờ 30 ngày 26/1, cả nước ghi nhận 155 ca tử vong.
Hà Nội ghi nhận ca Omicron đầu tiên ở cộng đồng
Sáng 26/1, tại phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, thành phố đã ghi nhận 14 ca nhiễm biến chủng Omicron gồm 13 trường hợp nhập cảnh và 1 người ngoài cộng đồng (tiếp xúc với 13 người nhập cảnh trên).
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trường hợp nhiễm biến thể Omicron ngoài cộng đồng của Hà Nội là nữ, sinh năm 1980 tại quận Đống Đa. Bệnh nhân là nhân viên vệ sinh buồng phòng tại khách sạn Grand Vista Hà Nội (là khách sạn thực hiện cách ly người nhập cảnh theo quy định của thành phố).
Trong khoảng thời gian từ 28/12/2021 đến ngày 9/1/2022, bệnh nhân làm việc tại khách sạn và có phục vụ cho các đoàn khách nhập cảnh cách ly tại khách sạn trong đó có 7 trường hợp nhiễm Omicron là khách nhập cảnh (do Bệnh viện Bạch Mai xét nghiệm và thông báo ngày 21/1/2022).
Bệnh nhân được cách ly tại khách sạn trong quá trình làm việc, được xét nghiệm PCR định kỳ hàng tuần và có kết quả âm tính vào ngày 3/1 và dương tính vào ngày 9/1.
Bệnh nhân được cách ly điều trị tại khách sạn từ ngày 9 - 18/1, hiện đã khỏi bệnh.
Kết quả điều tra dịch tễ sơ bộ chưa phát hiện thêm người nhiễm thứ phát, toàn bộ nhân viên khách sạn và người nhà của bệnh nhân này đều có kết quả xét nghiệm âm tính.
Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc ngành chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo tốt công tác cấp cứu, khám chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị thường trực 4 cấp gồm trực lãnh đạo, xử lý đường dây nóng; trực chuyên môn; trực hành chính – hậu cần; trực bảo vệ - tự vệ. Có kế hoạch phòng chống cháy nổ, thảm họa, tai nạn hàng loạt; phòng chống rét cho người bệnh. Đồng thời, các đơn vị tuyến trên sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới khi cần thiết.
Các đơn vị cần chủ động ứng phó với dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là biến chủng mới Omicron. Đồng thời có kế hoạch cụ thể về dự trữ thuốc, dịch truyền, oxy, vật tư, hóa chất, giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác thu dung, cấp cứu điều trị, cách ly người bệnh.
Tổ chức tốt công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân, bảo đảm người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Trong trường hợp trái tuyến, trái chuyên khoa thì cơ sở y tế phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định mới chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế khác. Từng đơn vị chuẩn bị thuốc, máu, dịch truyền, trang thiết vị và nguồn nhân lực để cấp cứu, khám chữa bệnh, đặc biệt là cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng đã yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân nhằm hạn chế tụ tập liên hoan, tập trung đông người dịp Tết Nguyên đán.
Trong cuộc họp Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch COVID-19, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành căn cứ diễn biến thực tế dịch bệnh, tiếp tục bám sát chủ trương chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Cán sự đảng UBND thành phố để triển khai nhiệm vụ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND thành phố, cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác phòng, chống dịch và thực hiện nghiêm “5K”; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, khu dân cư và người dân, nhất là người về từ tỉnh, thành khác, khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao tự giác thực hiện nghiêm quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh, tránh để lây lan ra cộng đồng.
TP Hồ Chí Minh tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 xuyên Tết
Ngày 26/1, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trước các diễn biến mới của dịch, sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron, để thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, TP Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 liều bổ sung và nhắc lại nhằm tăng cường miễn dịch, hiệu quả phòng bệnh cho người dân.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân bằng cách tiếp tục tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trên địa bàn 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Người dân đang ở tại thành phố (thường trú và tạm trú) có nhu cầu tiêm vaccine có thể đến bất kỳ địa điểm tiêm nào trên địa bàn để được tiêm chủng (không cần đăng ký danh sách trước). Thành phố sẽ nỗ lực bao phủ vaccine phòng COVID-19 trong cộng đồng đến hết tháng 2/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Bệnh viện duy nhất tại TP Hồ Chí Minh điều trị bệnh nhân biến thể Omicron tất bật ngày cuối năm
Những ngày cuối năm, khi khắp phố phường TP Hồ Chí Minh đang rộn rã vào Xuân thì tại Bệnh viện Dã chiến số 12, bệnh viện duy nhất tại TP tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân COVID-19 biến thể Omicron, vẫn tất bật với công việc tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân.
Trước sự xuất hiện của biến thể mới Omicron, đầu tháng 12/2021, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh giao cho Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh tái khởi động lại Bệnh viện dã chiến số 12 (thành phố Thủ Đức) để tiếp nhận, cách ly, điều trị, chăm sóc những trường hợp nghi mắc hoặc đã mắc COVID-19 biến chủng Omicron. Theo đó, những trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam sau khi có kết quả test nhanh dương tính tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được đưa vào bệnh viện Dã chiến số 12.
BS. CK2 Đoàn Văn Lợi Em, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh kiêm Phó giám đốc Bệnh viện dã chiến số 12 cho biết, bệnh viện được chia làm hai khu, gồm một khu dành cho bệnh nhân nhập cảnh có kết quả dương tính với SARS- CoV-2 và một khu dành cho bệnh nhân có kết quả giải trình tự gene nhiễm biến thể Omicron.
Vào những ngày cuối năm, số chuyến bay nhập cảnh về sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất ngày càng nhiều, đồng nghĩa với số bệnh nhân mắc COVID-19 được chuyển về Bệnh viện dã chiến số 12 ngày càng tăng. Lúc này, các nhân viên y tế và lực lượng dân quân tham gia hỗ trợ tại Bệnh viện dã chiến số 12 lại càng bận rộn hơn. Chỉ cần điện thoại rung lên báo có ca nhập cảnh chuyển tới, các nhân viên y tế nhanh chóng mặc đồ bảo hộ, xuống tiếp nhận bệnh nhân bất kể ngày hay đêm.
Sơn La tạo điều kiện thuận lợi cho người dân về quê đón Tết
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trở về quê nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Sở Y tế tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản số 219/SYT-NVYD yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm những quy định tại Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế trong việc quy định cũng như tổ chức thực hiện các biện pháp y tế, hành chính liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại của người dân.
Cùng với đó, các đơn vị triển khai “Thần tốc hơn nữa” trong việc tổ chức việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và mũi 2 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi; đặc biệt, chú ý tổ chức tiêm an toàn, hiệu quả và thuận lợi cho những người có nguy cơ cao.
Các đơn vị phối hợp với cơ quan, đơn vị trên địa bàn hướng dẫn, khuyến cáo người dân về quê dịp Tết Nguyên đán thực hiện nghiêm những biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như: Thông điệp 5K; tự theo dõi sức khỏe, không phải cách ly y tế; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như sốt, ho, khó thở... tự giác hạn chế tiếp xúc, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn xử trí theo quy định.