Cử tri cả nước đi bầu cử an toàn trong dịch
Theo thông tin cho báo chí của ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lúc 19 giờ ngày 23/5, có thể nói tất cả các điểm cách ly do COVID-19 đã được tổ chức bầu cử và quyền chính trị của công dân tại các địa phương, trong đó có những công dân F0 đều được đảm bảo. Công tác bố trí các hòm phiếu phụ để Tổ bầu cử, Ban bầu cử hỗ trợ đưa đến các khu có người bị cách ly; trong đó có cả các y bác sĩ cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà, cách ly tại cộng đồng đều được thực hiện quyền bầu cử của mình, tức là quyền chính trị đều được đảm bảo.
Đánh giá trên mọi mặt của cuộc bầu cử, theo đồng chí Bùi Văn Cường, đến 21 giờ ngày 23/5, cuộc bầu cử mới kết thúc, nhưng có thể khẳng định là kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã diễn ra thành công tốt đẹp.
Việt Nam có tổng cộng 3.734 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước
Tính đến 18 giờ ngày 23/5, Việt Nam có tổng cộng 3.734 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 2.164 ca.
Có 5 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 118 ca.
Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 846.642 xét nghiệm cho 1.546.614 lượt người.
Ngày 23/5, Việt Nam vừa ghi nhận thêm một bệnh nhân tử vong do phổi tắc nghẽn mãn tính và mắc COVID-19, đây là bệnh nhân tử vong thứ 42 có liên quan đến COVID-19.
Luôn 'trực chiến' chống dịch COVID-19
Ngày 18/5, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 110/TB-VPCP truyền đạt Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu cả hệ thống, đặc biệt là cơ quan chức năng ở địa phương, phải luôn trong tình trạng “trực chiến”. Khi phát hiện ca chỉ điểm phải ra quân nhanh nhất, khoanh vùng, cách ly ngay lập tức, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm nhanh nhất có thể.
Thông báo nêu rõ, lực lượng chức năng ở địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn. Đến nay, các ổ dịch ở Hà Nam, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, tốc độ kiểm soát dịch tại tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang còn chậm. Nguy cơ vẫn còn rất cao, đặc biệt liên quan tới các khu công nghiệp. Do vậy, cần tăng cường mạnh mẽ công tác chống dịch, đặc biệt, cần tăng cường xét nghiệm sàng lọc nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời.
Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn xét nghiệm đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí; tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ hai tỉnh tăng tốc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm để trong vài ngày tới kiểm soát được dịch. Ban Chỉ đạo quốc gia đánh giá cao việc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương hỗ trợ, chi viện Bắc Giang đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm.
Thông báo cũng nêu rõ, trong cộng đồng đã có mầm bệnh, dịch có thể bùng phát ở bất kỳ địa phương nào, lây lan nhanh trong cộng đồng. Cả hệ thống, đặc biệt là cơ quan chức năng ở địa phương phải luôn trong tình trạng “trực chiến”. Khi phát hiện ca chỉ điểm phải ra quân nhanh nhất, khoanh vùng, cách ly ngay lập tức, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm nhanh nhất có thể, đồng thời tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm 5K đối với cá nhân, an toàn COVID-19 đối với tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp. Các địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm.
Đà Nẵng tiếp tục xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động
Ngày 22/5, UBND TP Đà Nẵng đã có kế hoạch về việc tiếp tục thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao. Việc xét nghiệm này nhằm sớm phát hiện người mắc COVID-19 đang làm việc tại các khu công nghiệp, đặc biệt những trường hợp mắc COVID-19 không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng để khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát, khoanh vùng, dập dịch kịp thời, không để dịch COVID-19 lây lan trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao và trên địa bàn thành phố.
Việc lấy mẫu sẽ thực hiện từ ngày 24 đến 26/5/2021 theo cách lấy mẫu gộp 10 mẫu và xét nghiệm bằng phương pháp Realtime –PCR. Đối tượng là tất cả người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp và Khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đối với người có biểu hiện ho; sốt; đau họng; khó thở; mệt mỏi, đau người, ớn lạnh… hoặc viêm phổi trong 14 ngày gần đây nhưng chưa được lấy mẫu xét nghiệm thì cần được hướng dẫn đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 6 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ cao, gồm: Khu công nghiệp Hòa Khánh, Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng, Khu công nghiệp Liên Chiểu, Khu công nghiệp Đà Nẵng, Khu công nghiệp Hòa Cầm, Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng và Khu công nghệ cao. Tổng số lao động hiện đang làm việc tại các Khu công nghiệp và Khu công nghệ cao là 65.444 người.
Trước đó, toàn bộ người lao động làm việc tại Khu công nghiệp Đà Nẵng, Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng đã được xét nghiệm SARS-CoV-2 từ ngày 12 - 17/5 là 13.100 lao động. Số lao động còn lại sẽ được tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 là 52.322 người lao động đang làm việc tại Khu công nghệ cao và 4 Khu công nghiệp còn lại.
Bắc Giang số hoá thông tin lấy mẫu xét nghiệm
Các chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã xây dựng sẵn cho Bắc Giang một bộ quy trình chuẩn về công tác lấy mẫu xét nghiệm, biểu mẫu nhập danh sách lấy mẫu rất nhanh, tránh sai sót, có thể thống nhất cho cả tỉnh.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu đưa ra quy trình thống nhất trên toàn tỉnh phục vụ Công tác chuẩn bị, nhập thông tin khi tiến hành xét nghiệm COVID-19 tại cộng đồng phục vụ công tác truy vết, khoanh vùng, điều tra dịch tễ, áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh kể từ ngày 24/5/2021.
Theo đó, các chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã xây dựng sẵn một bộ quy trình hướng dẫn bằng hình ảnh slide rất sinh động và dễ hiểu. Trong đó có hướng dẫn bố trí khu lấy mẫu được vẽ thành sơ đồ dễ hiểu từ khâu đón tiếp, bố trí, sắp xếp xét nghiệm hết sức khoa học, đã được chuẩn hóa và đảm bảo hạn chế lây nhiễm chéo, đảm bảo tốt sự phối hợp giữa lực lượng hỗ trợ và lực lượng xét nghiệm. Hướng dẫn đã được lập thành quy chuẩn khá cụ thể từ lựa chọn địa điểm đến từng quy định đảm bảo linh hoạt áp dụng cho nhiều địa phương, an toàn cho những nhân viên y tế, trang thiết bị cần thiết để phục vụ việc thu nhận thông tin. Đặc biệt, việc ghi chép thủ công đã được số hóa.
Hai cơ sở của Bệnh viện K bắt đầu khám chữa bệnh trở lại từ ngày 24/5
Từ ngày 24/5, Bệnh viện K cơ sở Phan Chu Trinh và cơ sở Tam Hiệp hết cách ly và tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh trở lại bình thường. PGS.TS Lê Văn Hợi, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện K cho biết: "Với toàn bộ người bệnh, người nhà, người bệnh tại hai cơ sở hết cách ly, đã đủ tiêu chuẩn ra viện, sẽ được cho ra viện. Những bệnh nhân đã ổn định được chuyển xuống tuyến dưới, người bệnh nặng được tiếp tục theo dõi 24/24. Trước khi đón bệnh nhân trở lại, Bệnh viện sẽ tiếp tục phun khử khuẩn, vệ sinh thêm lần nữa cho toàn bộ 2 cơ sở để bảo đảm an toàn cho người bệnh".
Khi phát hiện có ca bệnh COVID-19 tại cơ sở Tân Triều, Bệnh viện đã ngay lập tức cách ly y tế cả 3 cơ sở của Bệnh viện để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, đến nay các ca mắc COVID-19 đều chỉ được phát hiện ở cơ sở Tân Triều, không phát hiện ca bệnh nào tại 2 cơ sở Phan Chu Trinh và cơ sở Tam Hiệp. Tại 2 cơ sở Phan Chu Trinh và cơ sở Tam Hiệp, những người cách ly cũng đều có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, đến nay đã có thể dỡ bỏ cách ly.
Từ 0 giờ ngày 22/5, TP Hồ Chí Minh tạm dừng các sự kiện tập trung quá 20 người trở lên
Tối 21/5, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn về việc tiếp tục tạm dừng hoạt động một số dịch vụ để phòng dịch COVID-19. Đáng chú ý, TP Hồ Chí Minh yêu cầu tạm dừng lễ hội, nghi lễ tôn giáo, sự kiện tập trung quá 20 người... thời gian áp dụng bắt đầu từ 00 giờ ngày 22/5 đến khi có thông báo mới. Căn cứ tình hình diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn cả nước và TP Hồ Chí Minh, UBND Thành phố yêu cầu:
Tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở vật lý trị liệu; massage; xông hơi; các tụ điểm, khu vui chơi, giải trí; sân khấu ca nhạc, sân khấu kịch; rạp chiếu phim, trung tâm - nhà hàng tiệc cưới; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình buffet, ăn uống có tổ chức hát với nhau, karaoke dưới mọi hình thức; vũ trường, quán bar, karaoke; hát với nhau; pub; beer club; các điểm kinh doanh trò chơi điện tử, truy cập Internet; các cơ sở kinh doanh thể dục thể thao trong nhà (gym, fitness, billiards, yoga,..); các Trung tâm thể dục thể thao và các khu tập luyện thể thao công cộng trên địa bàn Thành phố.
Tạm dừng các nghi lễ tôn giáo, hoạt động lễ hội tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự. Đối với phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đi bộ Bùi Viện và các công viên trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chú ý thực hiện giãn cách và hạn chế tập trung đông người.
Cấm tụ tập nhiều hơn 20 người ở bên ngoài các công sở, trường học và bệnh viện; tổ chức đo thân nhiệt và yêu cầu đeo khẩu trang ngay tại cửa ra vào đối với tất cả mọi người đến trụ sở làm việc và liên hệ công tác của các cơ quan đơn vị; đối với các cuộc họp, sự kiện: người dự phải đeo khẩu trang, ngồi cách nhau ít nhất 2 mét; hạn chế việc bắt tay, trao đổi ở cự li gần; rửa tay hoặc khử khuẩn trước và sau cuộc họp. Tiến hành vệ sinh phòng họp, khử khuẩn các bề mặt, các đồ vật tiếp xúc với người dự họp sau mỗi cuộc họp.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung tiếp tục cách ly tới ngày 26/5
Bộ Y tế vừa có Quyết định gia hạn áp dụng biện pháp cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung đến 8 giờ ngày 26/5/2021. Ngày 20/5/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2485/QĐ-BYT về việc gia hạn thời gian cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung.
Theo Quyết định, thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung gia hạn đến 8 giờ ngày 26/5/2021. Trong thời gian cách ly y tế, Bệnh viện chỉ tiếp nhận điều trị ca bệnh mới dương tính với SARS-CoV-2.