Tổng hợp COVID-19 tuần từ 3-9/1: Số ca F0 ở Hà Nội tăng lên từng ngày; cả nước đã tiếp nhận 206,5 triệu liều vaccine

Đến thời điểm này, Việt Nam đã tiếp nhận 206,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 và số vaccine đã tiêm đạt gần 157 triệu liều. Ngày 9/1, cả nước ghi nhận 15.779 ca mắc COVID-19 mới; trong đó Hà Nội ghi nhận thêm 2.811 ca F0. Trong khi đó Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ tới hết năm 2022.

Chú thích ảnh
Mẫu xét nghiệm sau khi tách được chuyển sang phòng mic hóa chất làm xét nghiệm. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Cả nước đã tiếp nhận 206,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19

Bộ Y tế cho biết từ tháng 3/2021 đến hết ngày 4/1/2022, Việt Nam đã tiếp nhận 206,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Số vaccine đã được phân bổ cho các địa phương, đơn vị đạt 176,8 triệu liều. Số còn lại khoảng 29,7 triệu liều (mới tiếp nhận) đang được Bộ Y tế tiến hành các thủ tục kiểm định chất lượng để xuất xưởng.

Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương đẩy mạnh hơn nữa tiến độ tiêm chủng để trong tháng 1/2022, hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi và trong quý I/2022, hoàn thành tiêm mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên.

Về tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên, ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thăm dò, khảo sát việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, kinh nghiệm từ các địa phương trong nước, chuẩn bị kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em để đến trường học trực tiếp.

Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản đề nghị Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc mua vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.  

Ngày 9/1, cả nước ghi nhận 15.779 ca F0  

Tính từ 16h ngày 8/1 đến 16h ngày 9/1, cả nước ghi nhận 15.779 ca mắc mới COVID-19, trong đó 28 ca nhập cảnh, 15.751 ca ghi nhận trong nước (giảm 762 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 10.217 ca trong cộng đồng). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó gồm: Bến Tre (+169 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (+92 ca), Hải Phòng (+88 ca).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 16.097 ca/ngày. Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 30 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1 ca), Quảng Nam (14 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (11 ca), Hải Dương (1 ca), Hải Phòng (1 ca), Thanh Hóa (2 ca). Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.899.575 ca mắc, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 19.253 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.893.570 ca, trong đó có 1.497.431 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.  Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Thành phố Hồ Chí Minh (507.810 ca), Bình Dương (291.446 ca), Đồng Nai (98.745 ca), Tây Ninh (82.197 ca), Hà Nội (67.776 ca). Trong ngày 9/1 đã có 12.210 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 1.500.248 trường hợp.  

Từ 17h30 ngày 8/1 đến 17h30 ngày 9/1 ghi nhận 202 ca tử vong. Cụ thể, tại Thành phố Hồ Chí Minh (19 ca), trong đó có 4 ca chuyển đến từ các tỉnh Bến Tre, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 213 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 34.319 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca mắc.  

Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, khu phong tỏa.  

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ (Yên Bái). Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Các địa phương tăng cường thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu về chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới; không mặc cảm, kỳ thị những người mắc hoặc nghi mắc COVID-19. Người dân về từ các địa bàn có nguy cơ chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định.

Hà Nội tập trung thực hiện 3 giải pháp chính phòng, chống dịch COVID-19  

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 8/1 đến 18 giờ ngày 9/1/2022, Hà Nội ghi nhận thêm 2.811 ca F0. Bệnh nhân phân bố tại 405 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đống Đa có 136 ca, Hai Bà Trưng có 123 ca, Bắc Từ Liêm có 112 ca, Ba Đình có 105 ca, Hà Đông có 102 ca… Cộng dồn số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 đến nay là 70.958 ca.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, 3 giải pháp chính để phòng, chống dịch COVID-19 tại Hà Nội hiện nay cần được tập trung thực hiện là tăng cường tiêm vaccine; cung cấp thuốc đầy đủ kịp thời cho người bệnh và quản lý chặt chẽ bệnh nhân điều trị tại nhà, hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng. Hiện nay, các địa phương trong thành phố đang khẩn trương triển khai tiêm vaccine tại nhà để hỗ trợ người cao tuổi, người có bệnh nền. Đoàn Thanh niên tiếp tục vận động xã hội hóa hỗ trợ hàng trăm bình ô xy cho công tác điều trị.

Tại cuộc họp giao ban giữa Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố với Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã ngày 7/1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội cho biết, số ca F0 tiếp tục tăng trong những ngày gần đây, trong đó khoảng 30% là các ca ngoài cộng đồng.

Dự báo tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp trong những ngày tới. Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, phát huy tinh thần chủ động phòng, chống dịch của người dân và hệ thống chính trị ở cơ sở; duy trì sẵn sàng ở mức cao nhất với phương châm “4 tại chỗ”, tránh để tình trạng trông chờ cấp trên đối với những việc thuộc thẩm quyền của mình bao gồm cả việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, túi thuốc A-B...  

UBND các quận, huyện, thị xã nâng cao năng lực quản lý, điều hành công tác phòng, chống dịch; tiếp tục chủ động nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở; chủ động phối hợp với các bệnh viện Trung ương, bệnh viện các bộ, ngành theo phân tuyến của thành phố... bảo đảm phân luồng, phân tầng hợp lý để người dân yên tâm, tập trung điều trị các bệnh nhân ở tầng 1 để hạn chế tối đa số bệnh nhân phải chuyển lên tầng trên; điều trị tích cực đối với bệnh nhân tầng 2, tầng 3 để hạn chế thấp nhất số ca tử vong.  

Các quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm vaccine, tập trung vận động người chưa tiêm tham gia tiêm đầy đủ để hạn chế người mắc và chuyển nặng.  

TP Hồ Chí Minh mở rộng chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao

Ngày 9/1, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh có thông báo kết quả về "Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ" sau một tháng triển khai.

Theo đó, thành phố đã lập danh sách 639.972 người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó phát hiện 25.642 người chưa tiêm vaccine (chiếm 4,0%). Xét nghiệm tầm soát phát hiện 5.437 người mắc COVID-19 (chiếm 0,8%). Bên cạnh đó, ban chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn triển khai thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên 2 lần đối với những người thuộc nhóm nguy cơ theo danh sách trên địa bàn, mỗi lần cách nhau 3 ngày (nếu lần 1 âm tính).  

Các đơn vị cũng khuyến khích thành viên các hộ gia đình làm xét nghiệm nhanh cho người thuộc nhóm nguy cơ. Trường hợp không tự làm xét nghiệm được, trạm y tế, trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng thực hiện xét nghiệm cho người thuộc nhóm nguy cơ.

Chú thích ảnh
 Tăng tốc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người dân. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN

Trong hai đợt xét nghiệm đã phát hiện 5.437 người mắc COVID-19. Trạm y tế và trạm y tế lưu động đánh giá, phân loại có 4.670 F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà (86,4%) và 4.471 F0 được sử dụng ngay thuốc kháng virus; 767 ca F0 được chuyển đến cơ sở điều trị để được chăm sóc, điều trị (13,6%). Tất cả danh sách người F0 thuộc nhóm nguy cơ được chuyển đến mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” để thực hiện tư vấn, thăm hỏi sức khỏe định kỳ, bao gồm chăm sóc cả các bệnh nền.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh việc chăm sóc và điều trị, các trung tâm y tế đã triển khai tiêm vaccine ngay cho những người thuộc nhóm nguy cơ, đặc biệt là những người thuộc nhóm nguy cơ gặp khó khăn trong đi lại sẽ được tiêm vaccine tại nhà. Tính đến ngày 8/1 có 18.007 người thuộc nhóm nguy cơ (70,2%) chưa tiêm đã được thuyết phục và tiêm vaccine.  

Đồng thời, các quận, huyện cũng đang đẩy mạnh quá trình tiêm vaccine, dự kiến kế hoạch đến ngày 20/1 sẽ vận động tiêm 100% cho những người thuộc nhóm nguy cơ phải tiêm vaccine.  

Sở Y tế cho biết, trong thời gian thực hiện các hoạt động trọng tâm của chiến dịch, bước đầu đã phát hiện ra những người nguy cơ cần được can thiệp ngay góp phần giảm tử vong.

Thành phố sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của chiến dịch cho đến hết năm 2022, theo đó, đối tượng người thuộc nhóm nguy cơ sẽ được mở rộng theo chỉ đạo của Bộ Y tế (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vaccine phòng COVID-19). Song song đó, mỗi tháng, thành phố sẽ thực hiện xét nghiệm tầm soát 1 lần cho người thuộc nhóm nguy cơ nêu trên và đợt 1 năm 2022 sẽ hoàn tất trong tháng 1 này.  

Trước đó, ngày 7/12/2021, UBND Thành phố Hồ Chí Minh phát động giai đoạn đầu của "Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ" nhằm tập trung nguồn lực bảo vệ sức khỏe cho người trên 65 tuổi và người có bệnh nền, hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong do COVID-19.

V.T/Báo Tin tức
Tổng hợp COVID-19 ngày 8/1: Hà Nội vẫn đứng đầu ca nhiễm; TP Hồ Chí Minh trở thành ‘vùng xanh’
Tổng hợp COVID-19 ngày 8/1: Hà Nội vẫn đứng đầu ca nhiễm; TP Hồ Chí Minh trở thành ‘vùng xanh’

Ngày 8/1, Việt Nam ghi nhận 16.553 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; trong ngày có 240 ca tử vong. Đáng chú ý, Hà Nội vẫn là thành phố đứng đầu ca nhiễm của cả nước, trong khi đó TP Hồ Chí Minh đã trở thành “vùng xanh” sau nhiều ngày số ca nhiễm mới giảm mạnh. Tuy nhiên, trước tình hình dịch COVID-19 vẫn phức tạp cũng như phải dành ngân sách cho công tác phòng, chống dịch, chăm lo đời sống người dân, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị tạm dừng bắn pháo hoa dịp Tết nguyên đán.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN