Qua 12 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng (Pháp lệnh), công nghiệp quốc phòng nước ta đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng: Cơ bản hoàn thiện về tổ chức hoạt động công nghiệp quốc phòng từ cơ quan quản lý nhà nước đến các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt và động viên; tổ chức lực lượng công nghiệp quốc phòng đã từng bước được củng cố theo hướng tập trung, chuyên môn hóa, gắn nghiên cứu thiết kế với sản xuất, sản xuất với sửa chữa; năng lực của công nghiệp quốc phòng đã được phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đáp ứng được một phần quan trọng về nhu cầu trang bị mới và sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật vũ khí trang bị kỹ thuật cho Quân đội, góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh quốc gia; công nghiệp quốc phòng được xây dựng và phát triển, từng bước trở thành một bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia, đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, sau 12 năm thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Từ khi Pháp lệnh có hiệu lực thi hành đến nay, Đảng đã có nhiều chủ trương, đường lối mới về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng; trong đó, có nhiều quan điểm, chủ trương mới chưa được thể chế hóa đầy đủ trong Pháp lệnh; một số quy định tại Pháp lệnh có những điểm bất cập, chưa phù hợp và thống nhất với Hiến pháp năm 2013 về quyền và nghĩa vụ của công dân liên quan đến quốc phòng, an ninh; Luật Quốc phòng năm 2018 và Luật Công an nhân dân năm 2018 về nội dung công nghiệp quốc phòng, an ninh...
Thực tế hoạt động công nghiệp quốc phòng đòi hỏi cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay và những năm tiếp theo, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước theo định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Từ những vấn đề trên, để triển khai nhiệm vụ tổng kết thực hiện Pháp lệnh, làm cơ sở đề xuất xây dựng Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị tổng kết 12 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng trong phạm vi toàn quốc (2008 - 2020) nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập, làm rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Pháp lệnh; đề xuất chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của công nghiệp quốc phòng trong tình hình mới; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về công nghiệp quốc phòng; tiến hành khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Pháp lệnh.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện về những kết quả đạt được; những hạn chế, bất cập và chồng chéo; làm rõ lý do, nguyên nhân trong quá trình thi hành Pháp lệnh; tổ chức tổng kết đúng kế hoạch, triệt để tiết kiệm, tránh lãng phí.
UBND tỉnh, thành phố thực hiện tổng kết Pháp lệnh có tổ chức hội nghị tổng kết gồm 4 đầu mối: Hà Nội, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Đồng Nai. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thành phố lập kế hoạch, tham mưu và đề xuất cho UBND tỉnh, thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết Pháp lệnh. Thời gian hoàn thành hội nghị tổng kết và báo cáo về Bộ Quốc phòng trước ngày 15/10/2020.
Các cơ quan, đơn vị Quân đội tổng kết Pháp lệnh ở 32 cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Thời gian gửi báo cáo tổng kết Pháp lệnh về Bộ Quốc phòng trước ngày 15/9/2020.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổng kết Pháp lệnh; xây dựng kế hoạch hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Chỉ thị; tổ chức tổng kết đạt hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm. Tổng hợp các kiến nghị, đề xuất và giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/2020.