Đánh giá về sự phát triển của quan hệ giữa Pháp và Việt Nam và tình hữu nghị giữa hai dân tộc, Tổng Thư ký Jean-Pierre Archambault nhận định nhìn vào số lượng các dự án hợp tác hiện nay, có thể thấy tham vọng nâng tầm quan hệ song phương là hoàn toàn có cơ sở. Ông nêu rõ đối thoại giữa Pháp và Việt Nam là một phần của cuộc đối thoại cần thiết giữa các nền văn minh khác nhau, hai bên cùng trao đổi và cùng giúp nhau phát triển thịnh vượng.
Tổng Thư ký AAFV nhấn mạnh Việt Nam mang đến cho Pháp rất nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp thu và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của các nền văn minh khác. Tuy nhiên trên thực tế, mối quan hệ đối tác chiến lược này còn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Ngay cả khi quan hệ hợp tác giữa hai nước đang phát triển, ở cấp độ kinh tế, chúng vẫn chưa đạt đến mức như mong muốn và hai bên cũng chưa phát huy được tối đa các tiềm năng như trong lĩnh vực như y tế, khoa học và Pháp ngữ.
Tổng Thư ký AAFV khẳng định mối quan hệ giữa hai dân tộc đã được duy trì từ lâu và trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử. Ông nêu rõ được thành lập từ năm 1961, AAFV đã hỗ trợ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, chống lại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. AAFV đã tham gia vào tất cả các cuộc biểu tình rộng khắp thể hiện tình đoàn kết với dân tộc Việt Nam ở Pháp và trên thế giới trong những năm qua. Tinh thần đoàn kết, gắn bó cũng được đề cao trong thời kỳ Mỹ và các nước phương Tây áp đặt các lệnh cấm vận Việt Nam kéo dài đến năm 1994. Sau đó, tình đoàn kết lại được tiếp tục trong khuôn khổ công cuộc Đổi mới của Việt Nam, được khởi xướng năm 1986. Ngày nay, tinh thần đoàn kết được thể hiện trong hỗ trợ các nạn nhân của chất độc da cam/dioxin và người dân nghèo.
Đối với AAFV, tình hữu nghị với Việt Nam cũng có nghĩa là quảng bá nhiều hơn để người dân Pháp biết đến nhiều hơn về lịch sử, văn hóa, xã hội, những thành tựu và thách thức của Việt Nam, từ đó thúc đẩy động lực hợp tác mới, quan hệ đối tác công, tư và giữa hai dân tộc, đặc biệt là thông qua hợp tác giữa các địa phương.
Tổng Thư ký Jean-Pierre Archambault cũng nêu rõ trong nhiều năm qua, hội đã hỗ trợ bà Trần Tố Nga trong vụ kiện chống lại các công ty hóa chất, trong đó có Monsanto, công ty đã cung cấp chất độc da cam/dioxin cho quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. AAFV đã tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn để tuyên truyền về những tác hại mà chất độc này đã gây ra, trong đó có hội thảo “Từ chất độc da cam đến chất diệt cỏ glyphosate: Vẫn luôn là Monsanto”. Ông nhấn mạnh các vấn đề sinh thái, đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên là một thách thức toàn cầu và là một cuộc chiến mà cả Pháp và Việt Nam đều phải đối mặt.
Về những nhận xét rằng hợp tác phi tập trung là một trong những mô hình tạo nên bản sắc của quan hệ Pháp - Việt, Tổng Thư ký AAFV cho rằng có những “mục tiêu mang tầm vóc quốc gia” như tình đoàn kết với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin để đấu tranh đòi lại công lý cho họ, nhưng cũng có những mục tiêu thể hiện ở cấp độ địa phương. Hợp tác giữa các địa phương là một ví dụ và rất quan trọng vì có sự tham gia của người dân và mang lại sức sống cho tình đoàn kết của các thành phố, địa phương kết nghĩa với nhau. Hợp tác địa phương giữa Pháp và Việt Nam tạo nên mối quan hệ giữa hai nước, từ những mặt đa dạng trong đời sống thường nhật. Khuôn khổ địa phương (thị trấn và làng, tỉnh và thành phố, vùng miền) mang lại lợi ích cho việc nghiên cứu và thực hiện các dự án chung. Do đó, quan hệ kết nghĩa giữa các trường học có thể là cơ sở để mở rộng hợp tác sang các đơn vị khác trong tỉnh; các học sinh và người dân địa phương sau đó có khả năng trở thành những người bạn của Việt Nam. Từ đó, người Pháp và người Việt sẽ có thể gắn kết lâu dài bằng các mối quan hệ phong phú này.
Bàn về đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Tổng Thư ký Jean-Pierre Archambault nhấn mạnh cộng đồng quốc tế đánh giá cao tính hiệu quả, xuất sắc của chính sách phòng ngừa ban đầu của Việt Nam. Nhưng biến thể Delta đang làm lung lay chiến lược “zero-COVID-19”, thể hiện qua diễn biến dịch bệnh tại Singapore hoặc Australia. Do vậy, hiện là lúc các nước cần phải đẩy mạnh các chiến dịch tiêm chủng đại trà, tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Cần phải miễn quy định về quyền sở hữu trí tuệ đối với bằng sáng chế để vaccine trở thành hàng hóa công cộng toàn cầu. Một biện pháp như vậy kèm theo chuyển giao công nghệ sẽ cho phép một số quốc gia sản xuất vaccine tại chỗ và chuyển giao chúng cho các quốc gia khác như Việt Nam, từ đó giúp sản lượng vaccine của thế giới tăng lên và giá cả được kiểm soát tốt hơn. Giới chuyên gia lưu ý rằng thế giới cần phải có đủ vaccine để tiêm chủng cho mọi người dân để có thể vượt qua đại dịch.
Một thách thức toàn cầu khác là sự nóng lên toàn cầu. Tổng Thư ký AAFV nêu rõ trong quá trình phát triển, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt với các hình thái thời tiết khắc nghiệt, các đợt thiên tai gây thiệt hại lớn. Biến đổi khí hậu, nguyên nhân và hậu quả của nó không chỉ liên quan đến Việt Nam, mà là vấn đề toàn cầu. Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi mỗi quốc gia nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và Pháp phải đóng vai trò của mình, chia sẻ đầy đủ và tôn trọng các cam kết mà nước này đã đưa ra tại Hội nghị lần thứ 21 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21).
Tổng Thư ký Jean-Pierre Archambault một lần nữa khẳng định tình hữu nghị giữa hai dân tộc được xây dựng trong thế kỷ trước, tình đoàn kết gắn bó của Pháp với một dân tộc đã trải qua những thử thách, khó khăn nhất đóng vai trò quan trọng và để lại dấu ấn trong lịch sử thế giới. Tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước đang ngày càng bình đẳng vì Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc.