Cũng trong ngày 19/4, tại phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo, đã yêu cầu chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan.
Tiếp đó, ngày 24/4, tại cuộc họp trực tuyến của Tổ công tác số 1, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác, nhấn mạnh cần khắc phục triệt để các nguyên nhân chủ quan, xác định tình trạng thiếu trách nhiệm trong việc chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Loạt động thái này cho thấy Chính phủ đang quyết liệt "chỉnh đốn" các bộ, ngành, địa phương, nghiêm khắc xử lý những cán bộ, công chức “ngồi im”, lảng trách trách nhiệm thực thi công vụ.
Không chấp nhận bao biện
Ông Hoàng Công Anh, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, cảnh báo rằng bên cạnh COVID-19 thì từ lâu đã xuất hiện “căn bệnh sợ trách nhiệm” đang âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ các cấp, trở thành nguy cơ cho sự phát triển của đất nước.
Theo ông Hoàng Công Anh, nguyên nhân là trong thời gian qua nhiều cán bộ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, dẫn đến tâm lý e ngại khi thực thi công vụ và do có sự chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập trong các quy định của pháp luật.
Mặt khác, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (tỉnh Cà Mau), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, đưa ra cách giải thích cho tình trạng đùn đẩy, né tránh hiện nay - Đó là cái tâm và cái tầm chưa cao từ phía cán bộ, những người có trách nhiệm giải quyết công việc.
Theo ông Lê Thanh Vân, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương "ngồi im", không làm gì cả chỉ để cho bản thân không bị quy trách nhiệm, bo bo giữ chiếc ghế, đẩy khó khăn cho người dân và làm đứt gãy các hoạt động kinh tế, sản xuất.
Nguyên nhân chính là nằm ở năng lực và nhận thức của cán bộ hiện nay, nhất là những người lãnh đạo. Nếu có năng lực thực sự thì cán bộ sẽ dám xả thân, dám làm những gì mà pháp luật có thể chưa có quy định nhưng lại tốt cho lợi ích chung, tốt cho người dân. Những lãnh đạo né tránh trách nhiệm, đùn đẩy hay “mượn bàn tay tập thể” để chối bỏ trách nhiệm là do thiếu năng lực và phẩm hạnh.
Đại biểu Lê Thanh Vân nêu rõ: Nhiều cán bộ chủ chốt cũng ngồi im không thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mình dù đã được phân công, phân nhiệm rất rõ. Như chuyện giải ngân vốn đầu tư công. Vốn đã được phân bổ, có dự án rồi nhưng vẫn đùn đẩy trách nhiệm, không ai chịu làm, khiến cho vốn đầu tư công không giải ngân được, công trình không hoàn thành. Hậu quả của nó là không thể đo đếm được.
Nhiều trường hợp bao biện, vin vào tình trạng “chu trình xử lý chưa được quy định rõ ràng”. Thực tế đang có những điều luật chồng chéo nhau, nhưng tại sao cùng một mặt bằng pháp lý mà tỉnh này, đơn vị này, bộ trưởng này làm được mà tỉnh khác, đơn vị khác, bộ trưởng khác lại không làm được?
Rồi khi các quy định đã tường minh, lộ trình đã rạch ròi, trách nhiệm đã cụ thể, nhưng cán bộ vẫn không làm (như trong chuyện giải ngân vốn đầu tư công) thì bản chất vấn đề thuộc về nhận thức, trình độ của cán bộ.
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (tỉnh Điện Biên) nhận xét: "Đúng là có việc giải ngân chậm do vướng mắc về quy trình, thủ tục khi triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án; có phần là do phân bổ vốn chậm, chuẩn bị đầu tư chưa kỹ, tuy nhiên yếu tố chủ quan của con người, của bộ máy vẫn là khâu quyết định".
Bà Tạ Thị Yên không đồng tình với suy nghĩ của một số cán bộ - “Thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”. Từ chủ trương, chính sách hết sức đúng đắn của Đảng, được Quốc hội thể chế hóa, luật hóa, Chính phủ đã điều hành rất quyết liệt, nhưng cấp cơ sở vẫn mang nặng tâm lý “e ngại”, “sợ sai”, “đùn đẩy”, “sợ trách nhiệm”. Như vậy làm sao có thể thúc đẩy xã hội phát triển. Nếu làm đúng quy định của pháp luật, có tâm trong sáng, vì nước, vì dân thì có gì phải ngại, phải sợ. Chúng ta cũng đã có cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Bác bỏ suy nghĩ “không làm thì không sai”
Tiến sỹ Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định, tư duy không làm không sai chính là tư duy sai. Cán bộ đang hưởng lương của cơ quan nhà nước có trách nhiệm phục vụ lợi ích của cộng đồng. Mỗi cán bộ, công chức đều có trách nhiệm, bổn phận phục vụ lợi ích công, lợi ích của nhân dân.
Tiến sỹ Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), nhấn mạnh: Cán bộ lãnh đạo quản lý, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần tăng cường trách nhiệm trong thực thi công vụ. Nếu người nào lần chần, vin vào thể chế có chỗ chưa rõ ràng mà không dám triển khai thì phải tăng cường truy cứu trách nhiệm.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (tỉnh Cà Mau), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, nêu ý kiến: “Những người chỉ lo giữ cái ghế của mình, tránh trách nhiệm đối với việc chung, nên bị bãi chức, cách chức, thậm chí xử lý nghiêm. Bộ máy của Đảng, Nhà nước không nên chấp nhận những người đó ngồi trên vị trí lãnh đạo. Vì tuy họ không trực tiếp vi phạm pháp luật, nhưng họ là người trì trệ; đứng đầu, chủ trì công việc mà không làm gì là kéo lùi sự phát triển của địa phương, của đất nước.”
Chuyên viên Phạm Thị Hương (Bộ Tư pháp) đã có công trình nghiên cứu về trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức. Theo đó, công vụ là một loại hoạt động nhân danh quyền lực nhà nước, nói đến công vụ là nói đến trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ nhằm mục tiêu phục vụ người dân và xã hội.
Trách nhiệm công vụ là việc cán bộ, công chức phải tự ý thức về quyền và nhiệm vụ được phân công cũng như bổn phận phải thực hiện các quyền và nhiệm vụ đó. Một nền công vụ hiệu lực, hiệu quả đều dựa trên cơ sở đề cao tính trách nhiệm với tinh thần tận tụy, mẫn cán và làm tròn bổn phận của cán bộ, công chức.
Về phương diện chính trị - xã hội, trách nhiệm công vụ có mục đích bảo vệ chế độ xã hội, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích của nhân dân, của cơ quan, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật. Về phương diện pháp luật – hành chính, trách nhiệm công vụ thể hiện yêu cầu bắt buộc của chủ thể quyền lực (tức Nhà nước nhân dân) đối với cơ quan, cá nhân được ủy quyền.
Trong thi hành công vụ, cán bộ, công chức trước hết, trên hết có nghĩa vụ thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Cán bộ, công chức đặc biệt không được trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao.
Cán bộ, công chức phải chịu một trong các hình thức kỷ luật nếu sai phạm, không thực thi, không hoàn thành nhiệm vụ. Trong Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu rất rõ ràng: Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ phải quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ; trực tiếp, chủ động, tích cực giải quyết công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý của bộ, cơ quan; quyết định các công việc theo thẩm quyền và không trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ những công việc thuộc thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan theo đúng quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền; không trình, báo cáo công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan Trung ương; không lạm dụng việc lấy ý kiến các cơ quan Trung ương để né tránh trách nhiệm; khẩn trương rà soát các nhiệm vụ, công việc của địa phương để kịp thời quyết định những công việc đã để chậm trễ, kéo dài.