Sáng nay 24/10, trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Kiến trúc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, về yêu cầu quản lý kiến trúc (Điều 6, 7, 8, 9), đa số ý kiến Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với các quy định yêu cầu chung quản lý kiến trúc và yêu cầu kiến trúc đối với đô thị, nông thôn, khu phố cổ.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị, nếu phân loại theo đặc điểm kinh tế-văn hóa-xã hội thì ngoài các đối tượng là đô thị và nông thôn thì trên thực tế còn có các đối tượng khác cũng cần được rà soát, quản lý kiến trúc như khu chức năng; khu vực giáp ranh; công trình có kiến trúc cần được bảo tồn nhưng chưa được công nhận di sản văn hoá; nông thôn trong đô thị; kiến trúc công trình tôn giáo, tín ngưỡng; kiến trúc quân - dân sự; hải đảo.
Nếu phân loại theo đặc điểm chuyên môn quản lý, các đối tượng có thể bao gồm: Kiến trúc công trình (nhà ở, công trình công cộng, công trình công nghiệp, kỹ thuật, nghệ thuật, quảng cáo…); Kiến trúc cảnh quan (không gian trước các tổ hợp kiến trúc, công viên, cây xanh, vườn hoa, mặt nước…); Kiến trúc không gian (không gian tổng thể)...
“Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, giải trình, tiếp thu các ý kiến nêu trên, làm rõ các đối tượng quản lý kiến trúc theo hướng vừa mang tính đại diện nhưng vừa đồng bộ, thống nhất, khả thi trong quản lý và đáp ứng sự phát triển. Trên cơ sở phân loại, làm rõ đối tượng quản lý kiến trúc để xây dựng các yêu cầu và quy chế quản lý cho phù hợp, tránh chồng chéo, bỏ sót đối với từng đối tượng: đô thị, nông thôn, khu phố cổ...”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Kiến trúc. Theo đó, Dự thảo Luật Kiến trúc gồm 4 chương, 37 điều. Luật có các nội dung cơ bản như: quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc hoạt động kiến trúc, những hành vi bị cấm. Luật cũng quy định 2 chính sách chính là quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc.
Trong đó, về quản lý kiến trúc, quy định rõ các công cụ quản lý kiến trúc chủ yếu là quy chế quản lý kiến trúc, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng; thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc; Hội đồng Kiến trúc Quốc gia và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan; quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về kiến trúc.
Về hành nghề kiến trúc, quy định rõ về hành nghề của kiến trúc sư; hành nghề kiến trúc của các tổ chức. Một số quy định cụ thể về cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc theo các tiêu chí: chuyên môn, phát triển nghề nghiệp liên tục, đạo đức hành nghề để phù hợp với thông lệ quốc tế; xử lý các vấn đề đăng ký hành nghề, chứng chỉ năng lực phù hợp.