Dự buổi làm việc có: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành Trung ương; tập thể cán bộ, công nhân viên Ủy ban Dân tộc.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, trong những năm qua, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đạt được nhiều thành tựu quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước.
Về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2022, đến nay, việc xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình đã cơ bản hoàn thành với 32/33 văn bản được ban hành. Tổ công tác về Chương trình đã được thành lập. Tại địa phương, 50/50 tỉnh, thành phố thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi đã thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh và cấp huyện.
Về nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương thực hiện Chương trình là 47.057 tỷ đồng; giao kinh phí nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình năm 2022 là hơn 14,4 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 9 nghìn tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 5,4 tỷ đồng. Đến ngày 30/1/2023, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình năm 2022 tại các địa phương trên cả nước đạt trung bình 42,53%.
Nêu một số khó khăn, hạn chế và nguyên nhân đối với công tác dân tộc thời gian qua, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, đến cuối năm 2022, cả nước có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Số hộ nghèo, cận nghèo dân tộc thiểu số chiếm 55,27% tổng số hộ nghèo của cả nước. Việc tiếp cận các dịch vụ xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở mức rất thấp so với bình quân chung cả nước. Quá trình thực hiện chính sách dân tộc thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Một số nội dung của chính sách sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2030 còn thiếu đồng bộ, chưa có định mức hỗ trợ cụ thể đối với các đối tượng thụ hưởng.
Việc bố trí nguồn lực cho chính sách chưa phù hợp với mục tiêu, nội dung và thời gian thực hiện chính sách. Văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của một số bộ, ngành chưa rõ, hướng dẫn chưa cụ thể, chi tiết gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện ở địa phương… Bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định.
Theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, năm 2023, Ủy ban Dân tộc tập trung triển khai tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác dân tộc. Đặc biệt là Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới và Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó, tổ chức thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Trên cơ sở các nhiệm vụ trên, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, Ủy ban Dân tộc kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất tham mưu cho Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế giao nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi cho cả giai đoạn 2023 - 2025; đồng thời nghiên cứu tham mưu ban hành cơ chế cho phép địa phương điều chỉnh mức vốn đầu tư theo nhu cầu thực tế và được phép điều chuyển nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình giữa các Dự án cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế để tháo gỡ khó khăn của các địa phương trong việc chi trả từ nguồn kinh phí sự nghiệp của Chương trình bố trí cho nội dung khoán chăm sóc và bảo vệ rừng đã thực hiện từ năm 2021.
Ủy ban Dân tộc cũng đề nghị UBND các tỉnh thực hiện Chương trình cần nghiêm túc thực hiện chế độ thông tin báo cáo thực hiện chương trình theo đúng quy định tại Thông tư 01/2022/TT-UBDT quy định quy trình giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là chương trình có những khác biệt với 2 chương trình mục tiêu quốc gia còn lại. Đó là, địa bàn triển khai rộng, dàn trải, đa dạng về công việc, loại hình, khoảng cách địa lý xa gây nhiều khó khăn cho công tác giải ngân mặc dù nguồn vốn dành cho Chương trình rất dồi dào.
Bên cạnh đó, quá trình triển khai Chương trình cũng đối mặt với nhiều rủi ro như hệ thống quy định chồng chéo, khác nhau khi Chương trình này phải lồng ghép với hai Chương trình còn lại. Điều này dẫn đến việc các bộ tiêu chí cũng khác nhau, gây khó khăn trong việc lựa chọn các bộ tiêu chí để áp dụng.
Quá trình triển khai Chương trình còn chậm, kéo theo việc tỷ lệ giải ngân năm 2022 ở mức chậm nhất với 42,53% so với tỷ lệ bình quân 57,7% của cả 3 Chương trình, tính đến 30/1/2023. Bên cạnh đó, sau 2 năm triển khai Chương trình, đến nay, vẫn còn tình trạng nợ văn bản hướng dẫn. Tổng 3 Chương trình mục tiêu quốc gia có 73 văn bản nhưng có tới 33 văn bản thuộc Chương trình này. “Tỷ lệ giải ngân thấp hơn nhưng hướng dẫn lại nhiều hơn, cho thấy việc triển khai Chương trình còn khó khăn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về kiến nghị cụ thể của Ủy ban Dân tộc đối với Chương trình, đối với dự án 1,2, 4 (Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc - PV) có 6 nội dung liên quan đến chợ, đường, nước, đất ở, nhà ở, đất sản xuất của bà con…, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Dân tộc hoàn thành văn bản kiến nghị liên quan, trình Chính phủ trước ngày 15/2 nhằm sớm có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương.
Về công tác tập huấn tại các địa phương, Phó Thủ tướng gợi ý việc tìm một số địa phương đã triển khai hiệu quả Chương trình để chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện dự án. Bên cạnh đó, việc tập huấn cần theo hình thức cầm tay chỉ việc nhằm tạo sự dễ hiểu cho đồng bào.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, năm 2023, việc triển khai và giải ngân cả 3 Chương trình sẽ gặp nhiều áp lực. Đối với Chương trình này, áp lực ở việc nguồn vốn bị dồn lại do giải ngân trong năm 2022 còn thấp. Bên cạnh đó, tổng mức đầu tư cho Chương trình trong năm 2023 tăng 41% so với năm 2022. Với tình hình trên, Phó Thủ tướng đề nghị cần giải quyết cho được việc lồng ghép, chồng chéo các quy định ở 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, cần tránh đầu tư dàn trải, lãng phí; xử lý vướng mắc ngay từ cấp cơ sở.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những vấn đề trên, đặc biệt là nội dung về cơ chế chính sách, cần được xem xét trong quý 1, trước khi diễn ra Hội nghị lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia.