Thông báo kết luận nêu rõ: Theo báo cáo và hồ sơ kèm theo thì phần lớn nội dung dự thảo Nghị định quy định về hoạt động lấn biển đã được quy định trong Nghị định số 11/2021/NĐ-CP của Chính phủ mới ban hành ngày 10/2/2021 (có hiệu lực thi hành từ ngày 30/3/2021) quy định việc giao các khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Việc xây dựng Nghị định mới cũng quy định về hoạt động lấn biển cần được cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng, tránh chồng chéo, trùng lặp, thêm thủ tục hành chính; đặc biệt lưu ý tính khả thi khi xác định giá đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong điều kiện chưa san lấp mặt biển như dự thảo Nghị định, bảo đảm không để thất thoát ngân sách Nhà nước, không trái với các quy định của Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021 của Chính phủ và các văn bản pháp luật liên quan.
Khu vực lấn biển là khu vực biển không thuộc khu bảo tồn, khu tránh trú bão, cảng biển, luồng hàng hải và các khu vực biển đã được quy hoạch, sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng.
Tuy nhiên, do chưa có những quy định pháp lý cụ thể điều chỉnh hoạt động này nên trong những năm qua, hoạt động lấn biển chưa mang lại hiệu quả như mong đợi, thậm chí gây tác động không nhỏ đến hệ sinh thái và làm ô nhiễm môi trường biển.
Trước tình hình đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định hoạt động lấn biển. Dự thảo có 5 chương, 20 điều, hướng tới mục tiêu tạo ra khuôn khổ pháp lý cho hoạt động lấn biển; kiểm soát chặt chẽ và đưa ra giải pháp lấn biển hiệu quả.
Hoạt động lấn biển sẽ giúp Việt Nam vươn ra biển, tạo ra không gian phát triển kinh tế - xã hội cho các khu vực ven biển, đồng thời chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển đang diễn ra phức tạp ở ven biển hiện nay.