Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trân trọng gửi tới các mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, thân nhân các gia đình liệt sỹ và những người có công với đất nước lời thăm hỏi ân cần và lòng biết ơn sâu sắc nhất nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ. Chủ tịch Quốc hội gửi lời chia sẻ, động viên đến thân nhân các gia đình liệt sỹ nhận Bằng Tổ quốc ghi công, đồng thời nhấn mạnh, gần 1 thế kỷ qua, ưu đãi người có công với cách mạng là trách nhiệm cao cả, là tình sâu nghĩa nặng, sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước và toàn xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN |
Đánh giá Lễ trao Bằng Tổ quốc là một trong những hoạt động có thiết thực, nhiều ý nghĩa lớn lao hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, Chủ tịch Quốc hội cho biết, ghi nhận những công lao đóng góp to lớn của hàng triệu liệt sỹ, đồng bào đã hy sinh vì độc lập, thống nhất đất nước, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã luôn chăm lo chính sách người có công, thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa bằng hệ thống chính sách người có công đã được ban hành và thường xuyên rà soát bổ sung để ngày càng mở rộng về đối tượng thụ hưởng. Hàng năm Nhà nước xem xét tăng mức độ thụ hưởng, mức phụ cấp ưu đãi đối với người có công phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đến nay cả nước về cơ bản đã xác nhận được các đối tượng người có công. Tuy nhiên, điều băn khoăn trăn trở nhất của Đảng, Nhà nước và nhân dân hiện nay là vẫn còn không ít số lượng người có công vẫn chưa được xem xét và công nhận do thất lạc hồ sơ, không còn hồ sơ giấy tờ gốc và những người giao nhiệm vụ thực hiện cũng không còn.
Hiện nay cả nước theo thống kê còn đến 3 vạn trường hợp kê khai nhưng chưa được xác nhận là người có công, trong đó có 5.900 trường hợp chưa được xác nhận là liệt sỹ, thương binh và người được hưởng chính sách như thương binh. Để xem xét xác nhận đối với trường hợp này là rất khó khăn phức tạp, cần hết sức thận trọng và nêu cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ làm công tác thương binh và xã hội.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, thời gian qua Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có nhiều nỗ lực và sáng tạo thực hiện quá trình xem xét thẩm định hồ sơ chặt chẽ, gắn trách nhiệm với các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân; đã xác nhận được hàng trăm liệt sỹ, hàng nghìn thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Kết quả này tuy chưa nhiều nhưng là cơ sở để cơ quan hữu quan tiếp tục tiến hành đi đến giải quyết căn bản hồ sơ còn tồn đọng để xác nhận người có công với cách mạng.
Biểu dương sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm sáng tạo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các đơn vị, địa phương và công tác xác nhận giải quyết các hồ sơ tồn đọng trong chiến tranh để đảm bảo người có công với nước đều được hưởng chính sách của Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hơn lúc nào hết, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan tham mưu cho Đảng và Nhà nước về việc thực hiện chính sách ưu đãi xã hội cần phát huy các kết quả đã đạt được trong việc xác nhận hồ sơ tồn đọng sau chiến tranh, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách để thực hiện việc xác nhận người có công với cách mạng, không để người hy sinh vì cách mạng, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được xác nhận là liệt sỹ, người bị thương chưa được xác nhận là thương binh.
Quang cảnh lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho các gia đình thân nhân liệt sỹ. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN |
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội biểu dương các ngành, các địa phương và các tổ chức chính trị xã hội, đồng bào trong nước và người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài đã góp phần vào việc chăm lo đời sống người có công. Chủ tịch Quốc hội mong rằng mỗi người, mỗi ngành làm tốt hơn nữa công tác này và coi đây là trách nhiệm và tình cảm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người có công lao đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay, cả nước đã xác nhận trên 9 triệu người có công với cách mạng (trong đó có 1,2 triệu liệt sỹ, 127.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 800.000 thương binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày và 312.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận).
Trải qua các thời kỳ kháng chiến, chiến tranh khốc liệt, lâu dài, nhiều cơ quan quản lý thay đổi, người hy sinh, bị thương không còn lưu giữ được hồ sơ, bản thân quân nhân, dân quân du kích, thanh niên xung phong, người phục vụ kháng chiến theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường không bao giờ nghĩ đến giấy tờ riêng cho mình và cũng không giữ được giấy tờ gốc... Mặc dù các cơ quan chức năng trong nhiều năm qua đã hết sức nỗ lực trong việc nghiên cứu, ban hành các chính sách để xác nhận người có công không còn căn cứ, giấy tờ gốc bằng nhiều hình thức nhưng vẫn chưa thật sự mang lại kết quả như mong muốn, nguyện vọng của người có công và thân nhân, đặc biệt là đối với những trường hợp hy sinh đã mấy chục năm trôi qua, gia đình và người thân khắc khoải đợi chờ người cha, người chồng và người con của mình được vinh danh.
Xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm, lòng biết ơn và với phương châm “không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân”, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các địa phương rà soát số hồ sơ tồn đọng và năm 2016 đã đột phá trong việc xem xét giải quyết hồ sơ tồn đọng bằng việc triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng tại 5 địa phương (Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An) để rút kinh nghiệm triển khai toàn quốc. Kết quả đợt thí điểm tại 5 tỉnh trong vòng gần 6 tháng đã xác nhận được 86 người có công, trong đó có 75 liệt sĩ (57 liệt sĩ chống Pháp) và 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Bằng Tổ quốc ghi công cho các gia đình thân nhân liệt sỹ. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN |
Tính đến ngày 30/6/2017, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 42.000 bằng Tổ quốc ghi công; các địa phương, ngành, công an, quân đội đã xác nhận trên 2000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; đặc biệt trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ chúng ta đã xác nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 498 liệt sĩ.
Trong số công nhận liệt sĩ, có 94 cụ đã hy sinh từ thời kỳ chống Pháp cách đây hơn 70 năm đến nay mới được công nhận liệt sĩ. Có trường hợp như cụ Đặng Văn Tiết ở Long An, bị địch bắt đày đi Côn Đảo và hy sinh cách đây 75 năm không có một giấy tờ gì, qua xác minh thông tin tại nhà tù, đồng thời được sự tôn vinh của các bậc lão thành cách mạng và nhân dân đã lập hồ sơ xác nhận liệt sĩ; các cụ Lê Văn Ý, Nguyễn Văn Khóa ở An Giang hy sinh từ năm 1945, hồ sơ được xác lập từ những năm 1976, 1977 nhưng đến nay mới được xem xét; hoặc như ở Hải Phòng, có 21 cán bộ Việt Minh bị giặc Pháp bắt và bắn chết từ năm 1948, nhưng trước đây chỉ mới công nhận liệt sĩ cho 9 cán bộ; 12 cán bộ còn lại đến nay mới được xem xét, công nhận... và còn rất nhiều những trường hợp cá biệt khác.
Đại diện các gia đình thân nhân liệt sỹ, ông Nguyễn Quang Rướng, con liệt sỹ Nguyễn Quang Rực (quê Thái Bình), bày tỏ niềm vinh dự và tự hào khi đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công; đồng thời cho rằng, đây là sự ghi nhận, tôn vinh của Đảng, Nhà nước đối với người cha của mình đã hy sinh năm 1951. Đánh giá quá trình xác minh liệt sỹ Nguyễn Quang Rực, cơ quan chức năng đã thực hiện thận trọng, tỷ mỷ với tình cảm và trách nhiệm, ông Nguyễn Quang Rướng cho biết, phát huy truyền thống của gia đình ông sẽ giáo dục con cháu nguyện tiếp bước cha anh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.