Tại điểm cầu Nhà Quốc hội (Hà Nội) có sự tham dự của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến; Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt; Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Argentina Lưu Văn Đức; đại diện Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Vụ Đối ngoại, Văn phòng Quốc hội, Vụ Châu Mỹ (Bộ Ngoại giao).
Tại điểm cầu Argentina có sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ Thượng viện Argentina Norma Haydee Durango; Nghị sỹ Khối Thị trường chung Nam Mỹ Julia Perié; Chủ tịch Ủy ban Giới tính và Đa dạng giới của Hạ viện Argentina Mónica Macha; Phó Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ của Thượng viện Argentina Guadalupe Tagliaferri; các cán bộ của Bộ Ngoại giao Argentina, Thượng viện, Hạ viện Argentina.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến cho biết: Đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, gây thiệt hại nặng nề trên các mặt kinh tế-xã hội và hàng triệu sinh mạng con người cho nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam và Argentina. Trong bối cảnh đó, phụ nữ luôn là những đối tượng chịu tác động nhiều nhất. Đánh giá cao sáng kiến tổ chức cuộc trao đổi trực tuyến này nhằm cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm trong đảm bảo các quyền của phụ nữ trong bối cảnh đại dịch COVID-19, ông Nguyễn Mạnh Tiến cho biết, Quốc hội Việt Nam luôn quan tâm theo dõi tình hình đại dịch COVID-19 và những khó khăn nhân dân Argentina đang phải đối mặt.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến khẳng định: Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ và chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan của Argentina.
Nhấn mạnh việc hai nước Việt Nam-Argentina vừa kỷ niệm 10 năm thiết lập Quan hệ đối tác toàn diện (2010-2020), ông Nguyễn Mạnh Tiến cho biết, Việt Nam luôn coi trọng thúc đẩy quan hệ với các nước bạn bè tryền thống trong khu vực Mỹ La tinh, đặc biệt là quan hệ hữu nghị, hợp tác với Argentina, nền kinh tế lớn thứ 3 ở Mỹ La tinh. Hiện nay, Chính phủ hai nước đang xúc tiến đàm pháp đi đến ký kết các thỏa thuận trong các lĩnh vực: Viễn thông; đấu tranh phòng, chống tội phạm; tránh đánh thuế hai lần. Quốc hội Việt Nam mong muốn Quốc hội Argentina ủng hộ quá trình đàm phán và phê chuẩn các hiệp định, thỏa thuận hợp tác để tăng cường, mở rộng hơn nữa hợp tác song phương, nhất là sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến cũng đề nghị Quốc hội hai nước tiếp tục thúc đẩy trao đổi Đoàn, tăng cường tiếp xúc song phương bên lề các diễn đàn nghị viện đa phương, trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực hoạt động nghị viện và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm
Bày tỏ vui mừng được trao đổi với các nghị sỹ Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ của Thượng viện Argentina Norma Haydee Durango cho rằng, dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Tại Argentina, nhiều biện pháp ứng phó, phòng, chống dịch đã được Chính phủ đưa ra trong đó có biện pháp cách ly trên toàn quốc.
Phụ nữ, trẻ em là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, nghiêm trọng nhất trong các thời kỳ khủng hoảng xã hội. Trong bối cảnh dịch COVID-19, phụ nữ, trẻ em cũng đang phải gánh chịu nhiều tác động tiêu cực khi nền kinh tế Argentina đang trong giai đoạn khó khăn, bức tranh xã hội kém thuận lợi, ngân sách công cũng đang thiếu hụt nặng nề. Điều này dẫn đến sự gia tăng các vấn đề xã hội, tỷ lệ dân số nghèo, bất bình đẳng… Trước tình hình đó, Chính phủ Argentina đã thực hiện nhiều biện pháp ứng phó dịch bệnh song vẫn đảm bảo an sinh xã hội; chú trọng giải quyết các vấn đề về bạo lực giới, nữ quyền, chăm sóc gia đình, chính sách cho phụ nữ làm lãnh đạo, sự có mặt của phụ nữ trong lĩnh vực ngoại giao, thể thao văn hóa…
Cũng theo bà Norma Haydee Durango, Quốc hội Argentina đã nghiên cứu và đưa ra một số luật về vấn đề quấy rối đường phố nhằm ngăn chặn, trừng phạt, xóa bỏ bạo lực với phụ nữ; luật quy định về số lượng nữ nghệ sỹ âm nhạc trong một sự kiện… Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ của Thượng viện Argentina Norma Haydee Durango bày tỏ hy vọng dịch COVID-19 sẽ nhanh chóng bị đẩy lùi trên toàn thế giới. Cùng với đó, phụ nữ và trẻ em cũng sẽ được bảo vệ và chăm sóc kịp thời.
Chia sẻ một số nội dung về những ảnh hưởng của COVID-19 tới phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt cho biết: Tính đến tháng 6/2020, trong lĩnh vực lao động việc làm, có khoảng 30,8 triệu người lao động Việt Nam bị mất việc làm, giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, giảm thu nhập; trong đó, 17,6 triệu lao động là nữ. Tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp thời gian này cũng cao hơn so với nam giới là 2,14%. Cơ hội tham gia thị trường lao động của nữ giới ngày càng khó khăn. Trong lĩnh vực y tế, khi dịch COVID-19 bùng phát, tỷ lệ nhân viên y tế là nữ tham gia tuyến đầu chống dịch chiếm phần lớn. Ngoài ra, phụ nữ làm việc tại nhà vừa phải làm việc vừa phải chăm sóc gia đình dẫn đến lượng việc tăng gấp đôi. Do đó, sức khỏe thể chất và tinh thần của phụ nữ đều bị ảnh hưởng…
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong thời gian dài, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân đảm bảo cuộc sống. Quốc hội Việt Nam tập trung đẩy nhanh mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2020-2030. Cùng với đó, tăng cường các hoạt động nghị viện, lập pháp, giám sát, quyết định ngân sách và thực hiện chức năng đại diện hỗ trợ nâng cao năng lực cho phụ nữ sẵn sàng ứng phó với đại dịch thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong các tình huống khẩn cấp, tăng cường nguồn lực, thực hiện bình đẳng giới, hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong đó có vấn đề việc làm để bảo đảm thu nhập với lao động nữ; tăng cường nguồn lực thực hiện bình đẳng giới.
Bà Lê Thị Nguyệt cho rằng, Quốc hội Việt Nam-Argentina cần đoàn kết, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm cùng hành động trong phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Đặc biệt, nhóm nữ nghị sỹ hữu nghị hai nước cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện và hoạch định chính sách về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái ở cấp quốc gia.
Tại cuộc trao đổi, các đại biểu đã chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm của hai nước nhằm tìm ra những giải pháp tối ưu giúp hỗ trợ phụ nữ phát triển năng lực, tiến tới bình đẳng giới ở cả hai quốc gia.