Tại buổi họp mặt, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm nhấn mạnh, năm 2023 là năm thứ 3, năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh phát triển kinh tế, chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp và du lịch, thương mại; phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 8%.
Vĩnh Long tập trung hoàn thành các quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, huyện và các quy hoạch chuyên ngành để triển khai thực hiện; xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, du lịch, đô thị và hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu; huy động mọi nguồn lực xã hội và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm và đồng bộ; phát huy tối đa một số tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, khóa XIII, Kết luận số 21 ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ, lịch sử hình thành và phát triển của Đảng bộ Vĩnh Long gắn liền với sự phát triển và lớn mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đầu năm 1930, chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh được thành lập tại Ngã Tư Long Hồ, tạo tiền đề thành lập Đảng bộ tỉnh vào tháng 2/1931 với 12 chi bộ và 2 Đảng bộ là quận Châu Thành (nay là huyện Long Hồ) và quận Tam Bình, với trên 100 đảng viên. Đến nay, Đảng bộ tỉnh đã trưởng thành, lớn mạnh về số lượng với 1.996 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở và trên 44.000 đảng viên.
Năm 2022, tỉnh thực hiện đạt và vượt 20/21 chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 11,28%, tăng cao nhất trong 10 năm qua và đứng thứ 10 cả nước, thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. GRDP bình quân đầu người đạt 69 triệu đồng, tăng 12 triệu đồng so với năm 2021. Địa phương hoàn thành việc cất mới, sửa chữa nhà ở cho gia đình người có công, hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở. Đến tháng 10/2022, Vĩnh Long không còn hộ gia đình chính sách, hộ nghèo khó khăn về nhà ở theo số liệu điều tra giai đoạn 2020 - 2022. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực.
Dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Văn phòng Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Vũng Liêm và ông Nguyễn Quốc Đạt, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Vĩnh Long; trao Huân chương Lao động hạng Ba cho 8 cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại buổi họp mặt, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã trao Huy hiệu Đảng đợt 3 tháng 2 cho các đảng viên từ 50 năm tuổi Đảng trở lên.
Trong đợt này, Đảng bộ tỉnh có 222 đảng viên (từ 30 - 75 năm tuổi Đảng) được nhận Huy hiệu Đảng và 5 đảng viên được truy tặng Huy hiệu Đảng.