Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo một số cơ quan của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các Hội Văn học nghệ thuật và 103 nhà văn lực lượng vũ trang từ các cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước đã tới dự.
Hoạt động nhằm cung cấp thông tin, tình hình, tăng cường đoàn kết gắn bó và sự phối hợp thường xuyên giữa các nhà văn lực lượng vũ trang với Quân đội; qua đó tạo cơ hội để các nhà văn chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, tạo sự đồng thuận về tư tưởng, chính trị và tiếp thu những kinh nghiệm quý của các nhà văn đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là dịp tri ân những đóng góp của các nhà văn lực lượng vũ trang; khơi dậy thêm lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tự hào, tự tôn dân tộc; góp phần củng cố giữ vững, phát huy phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống cách mạng, anh hùng của dân tộc và Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chủ trì gặp mặt, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam bày tỏ vui mừng được gặp gỡ đông đảo nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học - những người đã có đóng góp xuất sắc cho nền văn học Việt Nam, có nhiều tác phẩm cống hiến về đề tài người lính và chiến tranh trong nhiều năm qua.
Theo Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, thông qua cuộc gặp mặt lần này, ngoài tinh thần ghi nhận, tôn vinh các thành tựu mà các thế hệ nhà văn lực lượng vũ trang đã đạt được bằng tài năng, tâm huyết, trách nhiệm của mình, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của các nhà văn lực lượng vũ trang trong việc phản ánh, khắc họa, xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam thời kỳ mới, với ba nhiệm vụ chính: đội quân công tác, đội quân chiến đấu và đội quân lao động sản xuất.
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết đã thông tin tới các nhà văn về tình hình thế giới, khu vực và trong nước; những kết quả nổi bật về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong Quân đội.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, nhắc lại những đóng góp quan trọng của lực lượng nhà văn - chiến sĩ trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, đáp lại tiếng gọi của non sông, các nhà văn lực lượng vũ trang đã lên đường, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hy sinh, góp phần lập nên những chiến công hiển hách, góp phần xứng đáng vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc ta trong các cuộc kháng chiến vĩ đại. Trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, từng thế hệ nhà văn chiến sĩ đi qua chiến tranh đã khẳng định phong cách sáng tạo độc đáo, để lại cho nền văn học những tác phẩm giá trị, làm phong phú, rạng rỡ cho nền văn hóa Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, bước vào công cuộc đổi mới, các nhà văn lực lượng vũ trang với sự từng trải, bản lĩnh, tài năng và nhạy cảm sáng tạo đã xung kích mở đường, trở thành trụ cột trong hành trình đổi mới văn học nước nhà trong các lĩnh vực như: Sáng tác, lý luận, phê bình, dịch thuật… Thông qua những trang viết của mình, các nhà văn đã “ươm trồng” hạt giống của cái đẹp, của lòng nhân ái và sự tử tế, giữ gìn và thổi bùng lên ngọn lửa truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong mỗi con người Việt Nam.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn các nhà văn sẽ tiếp tục “đắm mình” vào thực tiễn sáng tác, khám phá, sáng tạo những vấn đề trung tâm, nhân vật trung tâm trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Đặc biệt, các nhà văn cần tiếp tục chú trọng tới các đề tài lịch sử văn hóa, quân sự Việt Nam, đề tài về phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, Công an nhân dân…, đóng góp góc nhìn của mình và truyền lửa cho thế hệ trẻ đang sống trong hòa bình tiếp nối truyền thống đó trong tương lai.
Cảm ơn tình cảm, sự quan tâm, động viên của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trong nhiều năm qua đối với các nhà văn thường xuyên sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, để tiếp tục xây dựng đội ngũ, nâng cao chất lượng tác phẩm viết về người lính, các nhà văn đề nghị Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh phong trào viết văn ở cơ sở; phát hiện, bồi dưỡng các hạt nhân sáng tác, các nhà văn trẻ trong Quân đội; tiếp tục đầu tư có chiều sâu cho văn học.
Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, các nhà văn lực lượng vũ trang đã có đóng góp không nhỏ, thậm chí mang tính quyết định ở nhiều khía cạnh trong nhiều giai đoạn. Sáng tác của các nhà văn lực lượng vũ trang không chỉ dừng lại ở việc khắc họa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ thành nhân vật trung tâm suốt cả giai đoạn dài, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc giành độc lập, thống nhất đất nước, cũng như trong bảo vệ toàn vẹn biên giới, hải đảo Tổ quốc, mà giá trị nghệ thuật nội tại của những tác phẩm ấy đã làm giàu có, làm phong phú thêm cho kho tàng văn hóa của dân tộc ta, đất nước ta thời kỳ mới. Các nhà văn lực lượng vũ trang, với phẩm chất của người chiến sĩ, luôn đồng hành với Tổ quốc và nhân dân qua mọi thời kỳ, mọi giai đoạn, mọi tình huống.
Ý thức rõ điều này, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam luôn ghi nhận, trân trọng và quan tâm thường xuyên tới các nhà văn với chính sách đãi ngộ những nhà văn đang công tác trong quân ngũ và dành sự tri ân với những nhà văn đã từng trải qua đời quân ngũ. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, Tổng cục Chính trị thường xuyên yêu cầu, khuyến khích đội ngũ nhà văn trong quân đội phát huy hết khả năng, tiềm năng của mình để sáng tạo ra những tác phẩm có chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp phát triển văn hóa mới, xây dựng con người mới.
Tổng cục Chính trị chỉ đạo các cơ quan đơn vị trong toàn quân luôn sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà văn trong và ngoài quân đội thâm nhập thực tế để lấy tư liệu sáng tác về đề tài bộ đội; có chính sách ưu tiên, trọng dụng đội ngũ văn nghệ sĩ, đặc biệt là các tài năng văn học trong quân đội. Trong khi toàn quân thực hiện tinh giản biên chế, Tổng cục Chính trị vẫn dành sự ưu tiên biên chế tốt nhất, "rộng cửa" nhất cho các đơn vị nghệ thuật để tiếp tục ươm mầm, phát triển, trọng dụng các tài năng, trong đó có tài năng văn học Quân đội...