Công văn nêu rõ, trong tháng 7/2019, tình hình tai nạn giao thông đường sắt diễn biến phức tạp, tăng về số vụ, tăng cao về số người chết so với tháng 7/2018 và tháng 6/2019. Trong tháng, tai nạn giao thông đường sắt làm 20 người chết, so với tháng 7/2018 tăng 9 người (81,82%), so với tháng 6/2019 tăng 11 người chết (122,2%). Đáng chú ý, ngày 31/7, đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng giữa tàu SE27 và ô tô khách tại đường ngang biển báo Km 1465+810, khu gian Sông Lòng Sông - Sông Mao, thuộc địa phận xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, làm 3 người chết và 1 người bị thương.
Nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn là do người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông, thiếu chú ý quan sát, kỹ năng lái xe kém khi qua các đường ngang đường sắt. Bên cạnh đó, những vụ tai nạn nêu trên cũng có nguyên nhân từ việc người dân đã vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt trong khi cơ quan chức năng chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn xử lý theo quy định.
Nhằm khắc phục vụ tai nạn giao thông tại Bình Thuận, bảo đảm an toàn giao thông đường sắt và ngăn ngừa các vụ tai nạn có thể xảy ra, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh Bình Thuận chỉ đạo lực lượng chức năng của tỉnh điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Ban An toàn giao thông tỉnh chia buồn, hỗ trợ gia đình các nạn nhân tử vong, thăm hỏi nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam, các cơ quan liên quan phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phân tích, đánh giá, xác định những nguyên nhân khiến tai nạn giao thông đường sắt tăng cao trong tháng 7/2019 và đề xuất các giải pháp kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông đường sắt trong thời gian tới. Thực hiện quyết liệt Quyết định 994/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020 và thực hiện xóa bỏ lối đi tự mở theo quy định tại Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh, thành phố trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Lập kế hoạch nâng cấp toàn bộ các đường ngang cảnh báo bằng biển báo lên đường ngang có cần chắn tự động. Tập trung xử lý vi phạm: mở đường ngang trái phép, xây dựng lều quán, mái vẩy, xây bục bệ, đắp vuốt làm lối đi qua đường sắt; lắp đặt biển quảng cáo, biển hiệu trong phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; phối hợp với các đoàn thể chính trị xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến đến cấp cơ sở, khu dân cư Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, nhất là các quy tắc giao thông đường bộ khi vượt qua đường sắt; phát huy và nhân rộng các mô hình tự quản trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả các vụ tai nạn giao thông đường sắt.