Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu tại sự kiện, Tổng lãnh sự Lê Quang Long đánh giá cao sáng kiến của VGInetwork và bộ phận khoa học và công nghệ Tổng Lãnh sự quán về việc tổ chức tọa đàm, chia sẻ thông tin công nghệ mới, đóng góp thiết thực vào phát triển những lĩnh vực kinh tế kỹ thuật ưu tiên của đất nước như thành phố thông minh, trí tuệ nhân tạo. Tổng Lãnh sự Lê Quang Long cũng bày tỏ vui mừng trước những tiến triển tích cực của VGInetwork như mở rộng mạng lưới chuyên gia về phía Tây Nam nước Đức, hỗ trợ cơ quan đại diện tại địa bàn, góp phần thúc đẩy hợp tác đổi mới sáng tạo Việt - Đức.
GS.TS Khoa học Nguyễn Xuân Thính, Trưởng nhóm nghiên cứu Quản lý và Mô hình về phân tích không gian thuộc Trường Đại học Kỹ thuật Dortmund - CHLB Đức, đồng thời là Chủ tịch VGInetwork, đã điểm lại những hoạt động tiêu biểu của VGInetwork, những kết quả khả quan, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Đức trong lĩnh vực đô thị, tòa nhà thông minh. Cụ thể là dự án đô thị thông minh (Smart Urban Areas - SUA) đã và đang triển khai nhiều công nghệ mới tiên tiến như thực tại ảo (AR/VR) vào thiết kế, xây dựng các tòa nhà thông minh do Bộ Môi trường, Bảo vệ thiên nhiên, An toàn hạt nhân và Bảo vệ người tiêu dùng (BMUV) tài trợ 2 triệu euro ứng dụng tại Vinhomes Việt Nam. Đây là một trong những dự án chuyển giao công nghệ tiêu biểu giữa Đức và Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về chuyển đổi năng lượng và phát triển kinh tế xanh, bền vững. Các đơn vị tham gia dự án SUA bao gồm trường Đại học Kỹ thuật Dortmund (Đức), Tập đoàn công nghệ máy bơm thông minh WILO (Đức) và Tập đoàn Vingroup/Vinhomes.
Cũng trong buổi toạ đàm, GS.TS Vũ Đức Bình, thành viên VGInetwork, đã trình bày những nội dung liên quan đến nghiên cứu, đào tạo và phát triển kinh doanh về trí tuệ nhân tạo (AI) tại Đại học ứng dụng Heidelberg. Theo Giáo sư Bình, trí tuệ nhân tạo cũng như quản trị, phân tích dữ liệu lớn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế xã hội như y tế, giáo dục, công nghiệp, giao thông,…vừa tạo cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với nguồn lao động trong tương lai. Với những thế mạnh công nghệ số của nước Đức và nguồn nhân lực công nghệ thông tin lớn của Việt Nam, AI hoàn toàn có thể là định hướng hợp tác đầy triển vọng, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước trong thời gian tới.
Trong khi đó, Ủy viên ban điều hành Vương Hồng Trí và nhóm công tác mạng lưới VGInetwork về Việt Nam dự khánh thành trụ sở Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) Hòa Lạc đã báo cáo một số hoạt động của nhóm tại Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo 2023, mở ra nhiều khả năng hợp tác tốt giữa Đức và Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao… Ông Trí và nhóm công tác cũng đề xuất ý tưởng tổ chức sự kiện Techfest / IT-Day Việt Nam tại Đức 2024 với mong muốn kết nối hiệu quả hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT giữa 2 quốc gia.
Ông Trần Đông, trưởng bộ phận Khoa học công nghệ Tổng Lãnh sự quán cho biết buổi tọa đàm là sự kiện quan trọng để cùng rà soát, đưa ra những hướng ưu tiên hợp tác khoa học, chuyển giao công nghệ giữa Đức và Việt Nam, đồng thời lên kế hoạch triển khai hiệu quả những sự kiện lớn như Techfest/IT-Day Việt Nam tại Đức. Bên cạnh đó, ông Đông cũng đánh giá cao những thành tựu đạt được của Mạng lưới đổi mới sáng tạo sau hơn 4 năm thành lập trong đó có việc phát triển các hợp phần chuyên môn sâu như Energy Hub, Auto & Mechanic Hub, Digitalization & Ai Hub, Biotech & Medicine Hub, mở rộng lĩnh vực hợp tác nghiên cứu triển khai, không ngừng kết nạp thêm nhiều thành viên ưu tú mới cùng hướng về xây dựng đất nước.