Trung Quốc, Nga phản đối can thiệp quân sự vào Xyri

Ngày 30/5, Trung Quốc một lần nữa khẳng định quan điểm phản đối can thiệp quân sự vào Xyri, còn Nga nhận định sẽ là "hấp tấp" nếu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xem xét biện pháp mới đối với cuộc khủng hoảng này trong bối cảnh phương Tây tiếp tục gia tăng sức ép lên Đamát.

Đại sứ quán Xyri tại thủ đô Pari, ngày 29/5 sau khi Pháp trục xuất đại sứ Xyri. Ảnh AFP/TTXVN


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Liu Weimin tuyên bố Bắc Kinh phản đối can thiệp quân sự vào Xyri cũng như phản đối việc dùng vũ lực thay đổi chế độ ở Đamát. Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên thực thi kế hoạch hòa bình của đặc phái viên chung LHQ-Liên đoàn Arập (AL) Kofi Annan, tìm cách kết thúc những xung đột đẫm máu thông qua thương lượng, đàm phán.


Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov cho rằng việc xem xét các biện pháp mới của HĐBA LHQ với cuộc khủng hoảng Xyri lúc này sẽ là vội vàng. Theo ông, điều cốt lõi là cần thêm thời gian để kế hoạch hòa bình của đặc phái viên chung Annan được thực hiện trọn vẹn.


Thứ trưởng Ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh các bên quốc tế, trong đó có các nước phương Tây, cần gây sức ép tương xứng cả với phe đối lập. Đồng thời, quan chức này cũng lặp lại lập trường của Mátxcơva phản đối can thiệp nước ngoài vào cuộc khủng hoảng Xyri.


Ngày 29/5, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Oasinhtơn hy vọng vụ thảm sát làm ít nhất 116 người thiệt mạng ở thị trấn Houla, miền trung Xyri, hồi tuần trước sẽ tạo ra bước ngoặt trong quan điểm của Mátxcơva vẫn luôn phản đối có hành động mạnh mẽ hơn đối với chính quyền Xyri.


Sau khi Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 29/5 tuyên bố không thể loại trừ khả năng can thiệp quân sự vào Xyri để chấm dứt khủng hoảng, Ôxtrâylia ngày 30/5 cho biết nước này sẵn sàng thảo luận về biện pháp đó. Ngoại trưởng Ôxtrâylia Bob Carr nói rằng nước này "sẽ bàn” về đề xuất dùng vũ lực của Pháp nhưng cũng như quan điểm của Tổng thống Pháp. Ông nhận định hành động như vậy "cần sự nhất trí trong HĐBA".


Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Ôxtrâylia cũng cũng nhấn mạnh "một lệnh ngừng bắn, một cuộc đối thoại chính trị và một giải pháp chính trị là những gì mà chúng tôi mong muốn nhất".


Ngày 30/5 cũng chứng kiến thêm nhiều quốc gia trục xuất đại sứ Xyri nhằm phản đối vụ thảm sát tại thị trấn Houla. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết chính phủ nước này đã yêu cầu Đại sứ Xyri tại Tôkiô rời khỏi Nhật Bản "càng nhanh càng tốt". Tuy nhiên, Tôkiô sẽ vẫn duy trì các mối quan hệ ngoại giao với Đamát.


Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu tất cả các nhà ngoại giao Xyri phải rời nước này trong vòng 72 giờ đồng hồ. Thổ Nhĩ Kỳ từng là một đồng minh của Xyri song quan hệ với Đamát đã rạn nứt kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng đẫm máu ở Xyri hồi tháng 3 năm ngoái.


TTXVN/Tin Tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN