Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Argentina Jorge Faurie thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Lần đầu tiên đến thăm Việt Nam trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao và Tôn giáo Argentina, ngài Jorge Faurie bày tỏ vui mừng trước những kết quả của hợp tác Việt Nam – Argentina thời gian qua; nhấn mạnh hai bên luôn duy trì mối quan hệ chính trị tin cậy, thông qua các cuộc tiếp xúc và trao đổi đoàn thường xuyên, nhất là giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Hợp tác kinh tế hiệu quả đang là động lực cho quan hệ song phương. Ngài Bộ trưởng nhấn mạnh tiềm năng hợp tác giữa hai nước, đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Argentina trong thời gian tới.
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân chào mừng Bộ trưởng Ngoại giao và Tôn giáo Jorge Faurie sang thăm chính thức Việt Nam trong bối cảnh kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (10/1973 – 10/2018); khẳng định Việt Nam luôn coi Argentina là đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực Mỹ La tinh; mong muốn củng cố và tăng cường quan hệ đối tác toàn diện với Argentina, nhất là về các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư; đánh giá cao những bước phát triển trong hợp tác song phương, nhất là trên lĩnh vực hợp tác kinh tế, thể hiện qua cán cân trao đổi thương mại tăng gấp 10 lần trong vòng một thập kỷ, từ 316 triệu USD (2007) lên hơn 3 tỷ USD năm 2017.
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân mong muốn hai bên nỗ lực làm phong phú hơn nội hàm đối tác toàn diện, khai thác mạnh mẽ tiềm năng, tích cực triển khai các thỏa thuận đã đạt được và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác, nỗ lực thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó chú trọng trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh; đề nghị Argentina hỗ trợ tăng cường quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các đảng chính trị tại Argentina và giao lưu nhân dân, coi đây là kênh quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ song phương.
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân đề nghị hai bên tiếp tục ủng hộ lập trường của nhau trong vấn đề giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua đàm phán hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).