Chúc mừng các thế hệ lãnh đạo, giảng viên và nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao những bước phát triển mạnh mẽ của Nhà trường sau 30 năm thành lập. Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những bước phát triển mạnh mẽ, sớm khẳng định được vị thế là trung tâm đại học đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu của cả nước, với nhiều thành tựu nổi bật trong giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Để Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục bứt phá trong giai đoạn mới với những thời cơ, vận hội mới, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, Nhà trường tiếp tục bám sát, thực hiện có hiệu quả quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong các nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ, xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Đặc biệt là, coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa, đạo đức, lối sống, nhân cách và khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ; gắn kết mật thiết giữa giáo dục, đào tạo với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị con người Việt Nam.
Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức, hoạt động theo hướng hiện đại, phù hợp chuẩn mực quốc tế; coi trọng và có chính sách đột phá chăm lo, phát triển đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành, bồi dưỡng nhân tài cho quốc gia.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý, Nhà trường nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác, mở rộng giao lưu học thuật với các quốc gia, tổ chức đối tác quan trọng có trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến. Nhà trường cũng cần chủ động tham gia mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu; đẩy mạnh liên kết, hợp tác, chuyển giao công nghệ giữa Đại học Quốc gia Hà Nội với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; tham gia đề xuất, thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu mang tầm quốc gia, quốc tế, giải quyết những vấn đề lớn của đất nước.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ tin tưởng Đại học Quốc gia Hà Nội cùng với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và hệ thống giáo dục đại học nước nhà sẽ tạo đột phá trong giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Ngày 10/12/1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 97/CP thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại 3 trường đại học lớn ở Hà Nội: Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I và Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội.
Theo báo cáo của Đại học Quốc gia Hà Nội, từ 3 trường đại học thành viên khi mới thành lập, đến nay, Đại học này đã từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy. Quy mô đào tạo không ngừng được mở rộng và phát triển cả về lĩnh vực đào tạo và số lượng người theo học.
Từ chỗ chỉ có hơn 50 ngành đào tạo, với khoảng 20.000 sinh viên và 100 nghiên cứu sinh theo học trong những ngày đầu thành lập, đến nay, Đại học Quốc gia Hà Nội đã trở thành hệ thống giáo dục đại học có quy mô đào tạo đứng đầu cả nước với trên 60.000 sinh viên, trên 1.000 nghiên cứu sinh đang học tập, nghiên cứu trong 172 chương trình đào tạo. Với cơ cấu đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thể hiện được vai trò tiên phong, nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu khoa học cơ bản, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Với gần 500 Giáo sư, Phó Giáo sư, trên 1.630 Tiến sĩ, Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học có tỉ lệ cán bộ khoa học có trình độ Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học đứng đầu cả nước. Nhiều nhà khoa học nằm trong danh sách 10.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới.
Đại học Quốc gia Hà Nội còn tích cực, chủ động tham gia vào quá trình hoạch định và tổ chức triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thể hiện tốt vai trò dẫn dắt, tiên phong trong thực hiện trách nhiệm xã hội.