Kết quả đánh giá với từng nhóm đối tượng cho thấy, trong 17 bộ, ngành cung cấp dịch vụ công, Bộ Tài chính duy trì vị trí đứng đầu, với giá trị 0,6321, tăng 0,13 so với năm 2020. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bảo hiểm xã hội Việt Nam mỗi cơ quan cùng tăng 1 bậc, vươn lên xếp vị trí thứ 2 và thứ 3 trên bảng xếp hạng. Các đơn vị tiếp theo trong nhóm 10 là: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Nội vụ.
Đối với 9 bộ, ngành không có dịch vụ công, với việc đạt giá trị DTI 2021 là 0,4736, tăng 66,29% so với năm 2020. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã vươn lên vị trí dẫn đầu, tăng 2 bậc so với kết quả đạt được trong kỳ đánh giá đầu tiên (năm 2020). Hai vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Đài Truyền hình Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam. Trong đó, Thông tấn xã Việt Nam có 2 chỉ số đứng đầu bảng xếp hạng về an toàn thông tin mạng và hoạt động chuyển đổi số.
Với nhóm các tỉnh, thành phố, 2 vị trí dẫn đầu vẫn thuộc về Đà Nẵng (giá trị DTI là 0,6419, tăng 0,1545 so với năm 2022 và Thừa Thiên - Huế (giá trị DTI 0,5872, tăng 0,1775 so với năm 2020).
Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng thêm 2 bậc so với năm 2020, vượt lên xếp thứ 3 trên toàn quốc. Các vị trí tiếp theo trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu về DTI 2021 gồm: Bắc Ninh, Lạng Sơn, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bình Phước và Bắc Giang.
Về tổng quan, giá trị DTI 2021 của cấp bộ, ngành cung cấp dịch vụ công là cao nhất, tiếp đến là cấp tỉnh, thành phố và cuối cùng là cấp bộ, ngành không cung cấp dịch vụ công. Trong đó, giá trị trung bình DTI 2021 cấp tỉnh, thành phố là 0,4014, tăng tới 32,7% so với năm 2020; cấp bộ cung cấp dịch vụ công là 0,4595, tăng 15,4% so với năm 2020.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, năm 2021 là năm thứ hai, Việt Nam triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, cũng là năm đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh. Nước ta đã tiên phong triển khai nhiều ứng dụng số, nền tảng số có nhiều chục triệu người dùng. Tuy nhiên, năm 2021 cũng nhận được nhiều góp ý nhằm hoàn thiện các sản phẩm công nghệ số phòng, chống dịch. Qua thử thách, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã trưởng thành rõ rệt về các nền tảng số quy mô lớn, đảm bảo an toàn dữ liệu người dân và triển khai trên toàn quốc. Do đó, báo cáo DTI 2021 có chủ đề "Chuyển đổi số từng bước trưởng thành qua việc triển khai công nghệ phòng, chống dịch bệnh".
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, chuyển đổi số là hành trình dài, mỗi tổ chức, cá nhân phải có kế hoạch, giải pháp phù hợp với định hướng phát triển, nhu cầu và điều kiện thực tế. Để giúp các bộ, ngành, địa phương đánh giá mức độ chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành bộ chỉ số và định kỳ hàng năm sẽ thực hiện đánh giá, công bố kết quả để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương nhìn nhận quá trình chuyển đổi số của đơn vị.
Căn cứ vào kết quả đánh giá DTI, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết liệt dành nguồn lực chuyển đổi số để đạt được mục tiêu đến năm 2025. Các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát sao mức độ chuyển đổi số qua đánh giá DTI để có giải pháp thúc đẩy phù hợp, khắc phục hạn chế, không chạy theo phong trào.
Chỉ số chuyển đổi số DTI 2021 gồm 3 cấp là cấp tỉnh, cấp bộ và cấp quốc gia. Cấu trúc DTI cấp tỉnh gồm 9 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần, tập trung vào 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. DTI cấp bộ có 6 chỉ số chính với 70 chỉ số thành phần. DTI quốc gia gồm 24 chỉ số, thể hiện mức độ đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu thuộc Chương trình chuyển đổi số quốc gia, các chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số; đồng thời, tham chiếu đến các chỉ số trong đánh giá của quốc tế.