Qua các thời kỳ, TTXVN không chỉ làm tốt công tác thông tin đối nội, đối ngoại mà còn là chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng. Nhưng trong thời kỳ mới, TTXVN phải đổi mới tư duy để vươn lên trở thành một tập đoàn truyền thông mang tầm quốc tế, được bạn đọc trong và ngoài nước tin cậy.
Tay bút, tay súng
Nhân dịp 66 năm ngày thành lập Thông tấn xã Việt Nam (15/9/1945-15/9/2011), chiều 14/9, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã tới thăm TTXVN.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm Ban Biên tập Tin Đối ngoại. Ảnh: Tấn Sáng - TTXVN |
Ngày 15/9/1945, TTXVN (lúc đó mang tên Việt Nam Thông tấn xã) phát đi bản tin đầu tiên bằng tiếng Việt và tiếng Anh, đây là Bản Tuyên ngôn độc lập đánh dấu sự ra đời của Nhà nước Việt Nam mới.
Trải qua 66 năm, TTXVN luôn gắn bó, đồng hành với dân tộc qua các thời kỳ, trong chiến tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc và trong quá trình xây dựng, đổi mới đất nước sau này.
Trong thời kỳ chiến tranh, không có chiến trường, mặt trận nào vắng bóng phóng viên của TTXVN. Các cuộc chiến đấu vĩ đại của nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, giành độc lập cho Tổ quốc đã được phóng viên TTXVN phản ánh chân thực. Nhiều đồng chí vừa là nhà báo, vừa là chiến sỹ đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường. Trong đó, liệt sỹ đầu tiên của TTXVN là đồng chí Trần Kim Xuyến, Tổng Giám đốc đầu tiên của TTXVN hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đây cũng là liệt sỹ đầu tiên của báo chí cả nước.
Phó Tổng Biên tập Trần Thanh Xuân (người đứng, cầm quạt) và các cán bộ VNTTX ở một trạm dừng chân trên đường vào chiến trường. Ảnh: Tư liệu - TTXVN |
Theo ông Trần Mai Hưởng, Tổng Giám đốc TTXVN, trong suốt thời kỳ chiến tranh giải phóng đất nước, TTXVN có 260 nhà báo chiến sỹ đã hy sinh, chiếm 2/3 số liệt sỹ của toàn bộ giới báo chí cả nước. Chính vì những đóng góp đó, TTXVN được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, là đơn vị đầu tiên trong ngành báo chí được trao tặng danh hiệu cao quý này.
Trong thời kỳ đổi mới, TTXVN luôn theo sát với tình hình thực tiễn đời sống, phản ánh kịp thời đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. TTXVN là một trong những cơ quan đầu tiên phát đi bản tin khoán hộ ở Vĩnh Phú, Chỉ thị 100 ra đời (về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã (HTX) nông nghiệp” (khoán 100)) triển khai công tác giao ruộng đất cho nông dân, tạo nên phong trào đổi mới trong nông nghiệp, và các phong trào tìm tòi mở cửa trước đổi mới và sau này... Chính vì những đóng góp đó, TTXVN đã vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng lao động thời kỳ đổi mới, cùng với nhiều phần thưởng cao quý khác như: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh...
Ngày 15/9/1945, Việt Nam Thông tấn xã, với tên viết tắt bằng tiếng Việt là VNTTX, bằng tiếng Anh là VNA và bằng tiếng Pháp là AVI đã phát đi toàn thế giới bằng ba thứ tiếng Việt, Anh và Pháp bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đó, ngày 15/9 trở thành Ngày truyền thống của ngành thông tấn.
Sau ngày đất nước thống nhất, Thông tấn xã Giải phóng (thành lập ngày 12/10/1960) - cơ quan thông tin chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - đã hợp nhất với Việt Nam Thông tấn xã. Theo Nghị quyết số 84/UBTVQH ngày 12/5/1977 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) được đổi thành Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN).
Là cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ, TTXVN thực hiện chức năng thông tấn Nhà nước trong việc phát tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước; cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước; thu thập, phổ biến thông tin bằng các loại hình báo chí phục vụ các đối tượng có nhu cầu ở trong và ở nước ngoài. Để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao, ngoài cơ quan Tổng xã tại Hà Nội, với các đơn vị giúp việc Tổng Giám đốc, các ban biên tập tin, ảnh, các tòa soạn báo, bản tin chuyên đề, các Trung tâm kỹ thuật- dịch vụ (kỹ thuật, dữ kiện - tư liệu, Kênh Truyền hình Thông tấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và hợp tác quốc tế), Nhà xuất bản và các doanh nghiệp, TTXVN còn có các cơ quan đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh và tại thành phố Đà Nẵng cùng mạng lưới các phân xã trong nước đặt tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 27 phân xã ngoài nước được bố trí khắp 5 châu lục.
TTXVN hiện có quan hệ hợp tác song phương và đa phương với 42 hãng thông tấn và tổ chức báo chí quốc tế, là thành viên Tổ chức Thông tấn xã các nước Không liên kết (NANAP), thành viên Tổ chức các thông tấn xã châu Á, Thái Bình Dương (OANA) và là Ủy viên Ban Chấp hành OANA, thành viên Tổ chức các hãng thông tấn thế giới . Trải qua hơn sáu thập kỷ hành trình cùng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày nay TTXVN đã trở thành một trung tâm thông tin quốc gia tin cậy của Đảng và Nhà nước, một hãng thông tấn có uy tín trong khu vực, hướng tới xây dựng thành Tập đoàn Truyền thông.
TTXVN đã được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Thành đồng Tổ quốc hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và nước ngoài. TTXVN là cơ quan báo chí duy nhất ở Việt Nam được phong tặng hai danh hiệu Anh hùng: Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến cứu quốc. |
Tới nay, TTXVN là tập đoàn báo chí lớn với hơn 2.200 phóng viên, biên tập viên, nhân viên, tạo ra 40 loại sản phẩm thông tin, trong đó 20 bản tin bằng các thứ tiếng, có 9 tờ báo, tạp chí trực tiếp cung cấp thông tin, quen thuộc với độc giả như: Báo Tin Tức, Thể thao và Văn hóa, Báo Vietnamnews (tờ báo tiếng Anh)...
Trong tương lai, TTXVN sẽ phát triển TTXVN thành tập đoàn Truyền thông mang tầm khu vực. Cách đây hai năm, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị 1441/Ttg nhấn mạnh rằng, TTXVN phải vươn lên, trở thành Hãng Thông tấn Quốc gia, Tập đoàn truyền thông Quốc gia mạnh, làm tốt nhiệm vụ thông tin đối nội, đối ngoại và các loại hình thông tin khác.
Sắp tới, “Chúng tôi cố gắng vươn lên là Hãng Thông tấn có tầm khu vực và Tập đoàn Truyền thông lớn của đất nước, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là đổi mới tư duy, đáp ứng nhu cầu thông tin trong thời kỳ cạnh tranh gay gắt hiện nay. Đặc biệt, cuộc đấu tranh tư tưởng ngày càng trở nên phức tạp”, ông Trần Mai Hưởng, Tổng Giám đốc TTXVN nhấn mạnh.
Đổi mới tư duy để vươn lên
Ghi nhận những đóng góp của TTXVN, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Trong suốt chặng đường phát triển của đất nước, trải qua hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, sau đó là thời kỳ đổi mới, sự nghiệp phát triển TTXVN luôn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước”.
Trong chiến tranh, nhiều lớp phóng viên, biên tập viên của TTXVN đã ngã xuống để mang lại độc lập cho đất nước. “Phóng viên, biên tập viên của TTXVN có truyền thống yêu nước, đoàn kết, hy sinh quên mình. Do vậy, TTXVN xứng đáng nhận được danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới do Đảng, Nhà nước và nhân dân trao tặng...”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.
Trong diễn biến thông tin phức tạp hiện nay, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, TTXVN không chỉ làm báo mà còn làm tốt công tác tư tưởng cho dân. Giúp Đảng, Nhà nước truyền tải thông tin tới người dân và ngược lại, phản ánh ý kiến của người dân lên các cấp chính quyền. Tạo sự gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. TTXVN phải là kênh thông tin chính thống, được tin cậy, có những bài bình luận, đánh giá chính xác, được dư luận quan tâm, ủng hộ. Bên cạnh đó, còn góp phần vào sự nghiệp nâng cao dân trí, truyền tải thông tin, kiến thức về văn hóa, xã hội, khoa học, giáo dục... tới người dân.
Tiếp nối truyền thống của ngành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong muốn, TTXVN phải phấn đầu thành một Tập đoàn Truyền thông mạnh về công tác tư tưởng, đưa thông tin tới đông đảo nhân dân, truyền tải tin tức trong nước ra toàn thế giới. Xây dựng TTXVN vừa rộng, vừa sâu, đến được với nhiều độc giả hơn, là Hãng Thông tấn có vị trí tin cậy trong phạm vi khu vực và quốc tế. Được nhân dân tin yêu, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, trong quá trình phát triển, TTXVN phải nghiêm túc tự phê bình để tìm ra những tồn tại trong ngành, từ đó khắc phục những hạn chế, yếu kém, đáp ứng yêu cầu mới của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Hữu Vinh