Đây là những lời chia sẻ lâng lâng tự hào của chị Bùi Thị Oanh, hiện đang làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài tại thủ đô Viêng Chăn (Lào), về những đổi thay của quê hương đất nước theo hướng ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Còn đối với những người trẻ, bạn Châu Thị Ngọc Tuyền thuộc thế hệ 9X đang làm việc tại Malaysia, khi lưu lại những lời tiễn biệt cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong sổ tang, đã viết: “Giờ đây khi gặp Bác Hồ, bác có thể khoe rằng Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc năm châu rồi ạ”. Từng câu, từng chữ ấy đã toát lên một cách mộc mạc nhất niềm tự hào của những người con Việt nơi xa xứ về thành tựu phát triển của đất nước trên hành trình toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện Di chúc của Bác Hồ để xây dựng một Việt Nam giàu mạnh.
Là người từng sống trong những giai đoạn khó khăn sau chiến tranh, đến khi trải qua công cuộc Đổi mới và chứng kiến sự phát triển của đất nước như hiện nay, cô Nguyễn Thị Lan Chi, Phó Hiệu trưởng Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du không giấu được cảm xúc ngỡ ngàng. Cô tâm sự hơn 10 năm sinh sống và làm việc tại Lào, mỗi lần về nước lại thấy mình như lạc vào một chốn khác, “nhiều khi tới gần đến nhà mà cứ ngỡ rằng đi nhầm đường vì sự thay đổi của làng xóm quê hương”. Những ngôi nhà đẹp đẽ, khang trang được xây lên, những con đường mới rộng rãi, hàng cây ven đường xanh tốt, đời sống của những người trên quê hương đã thay đổi mỗi ngày. Không chỉ ấn tượng vì sự phát triển trong cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống hằng ngày của người dân, cô Chi rất ấn tượng với thay đổi về cơ chế và quy cách phục vụ nhân dân ngày càng bám sát với lời dạy của Bác Hồ là "lấy dân làm gốc". Cô cho biết: “ Khi đến những cơ quan hành chính, bệnh viện công, các cán bộ nhân viên đã tiếp đón, giải quyết công việc cho người dân bằng thái độ vui vẻ, tận tình và nhanh chóng."
Đó cũng là tâm trạng của ông Hoàng Văn Quân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, mỗi lần trở về đều nhận thấy đất nước thay da đổi thịt, không chỉ thành thị với đường sá, nhà cao tầng, khu công nghiệp, khu dân cư ngày càng phát triển to đẹp hơn mà cả ở nông thôn, đường liên tỉnh và liên huyện, liên thôn cũng được xây dựng khang trang, mở rộng và đổ bê tông, nhà cửa, ruộng vườn ở quê đều được quy hoạch. Ông kể sự phát triển đồng bộ theo đúng lời dạy “lấy dân làm gốc” đó đã được khẳng định một cách rất khách quan thông qua cách nhìn nhận của một số người bạn Thái Lan cùng về thăm Việt Nam với ông Quân, rằng “riêng ở nông thôn thì cuộc sống của nhân dân Việt Nam tốt hơn Thái Lan”.
Ông Phí Văn Mai, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Oudomxay, Bắc Lào, bộc bạch từ một dân tộc nghèo đói, gánh chịu nhiều mất mát đau thương trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Việt Nam đã vươn lên, tạo ra những dấu ấn, kỳ tích mới trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là trong công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế. Cảm thấy vinh dự và tự hào là người con của dân tộc Việt Nam trước những thành tựu vượt bậc, có ý nghĩa lịch sử quan trọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã đạt được trong suốt những năm qua, ông Mai cho rằng đây là nguồn cổ vũ, động viên, là động lực to lớn không chỉ cho cá nhân ông mà còn cho rất nhiều bà con người Việt khác đang sinh sống tại Lào và trên khắp thế giới luôn nỗ lực phấn đấu phát huy các giá trị tốt đẹp của người Việt Nam, nhất là truyền thống cần cù, chịu khó, đoàn kết tương trợ lẫn nhau cùng phát triển.
Ông Trần Đình Chín, một Việt kiều Mỹ, 85 tuổi, thì ấn tượng khi Việt Nam vẫn đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng trong những năm gần đây, khi tình hình nhiều nước trên thế giới lâm vào giai đoạn khó khăn, thậm chí khủng hoảng…, nhấn mạnh đây chính là minh chứng rõ nét nhất cho sự kiên cường, ổn định và tiềm năng của Việt Nam. Ông Trần Đình Chín tin tưởng rằng hơn 100 triệu dân Việt Nam trong và ngoài nước giờ đây rất tự hào khi Việt Nam đã có một chính sách đối ngoại hết sức thành công, vai trò, vị thế ngày càng được củng cố trên trường quốc tế và môi trường thương mại, đầu tư, phát triển khoa học-công nghệ thuận lợi hơn nhiều.
Những thành tựu đổi mới, phát triển ấy không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân trong nước, tạo dựng cuộc sống ấm no và văn minh cho mỗi gia đình mà còn mang lại những lợi ích gián tiếp cho cộng đồng hơn 6 triệu kiều bào ở nước ngoài. Ông Thái Trần, một doanh nhân tại Anh, nói rằng đường lối "ngoại giao cây tre" mềm dẻo, uyển chuyển của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giúp Việt Nam đạt được những thành tựu đối ngoại ấn tượng, trở thành bạn của tất cả các nước, trong đó có các cường quốc, qua đó đặt nền tảng để hoạt động giao thương tăng trưởng. Là doanh nhân xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường Anh và Liên minh châu Âu (EU), ông Thái cảm nhận rõ những chuyển biến tích cực trong hoạt động thương mại khi nước bạn liên tục có những chính sách cởi mở với Việt Nam.
Trong khi đó, Đặng Đình Hùng - Ủy viên Ban Thư ký Hội Sinh viên Việt Nam tại Australia – cho biết, cá nhân em cũng như các bạn đồng trang lứa rất tự hào khi được sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước hội nhập và phát triển toàn diện. Đặng Đình Hùng tin rằng khi vị thế của Việt Nam được nâng tầm trên vũ đài thế giới, điều đó mang lại những thuận lợi nhất định cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và các du học sinh nói riêng trong sinh hoạt, làm việc và học tập.
Để có được những thành tựu như vậy, giúp đất nước vươn lên từ những khó khăn sau hai cuộc chiến tranh, trở thành quốc gia có “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, cô Lan Chi khẳng định chính là nhờ Đảng và Nhà nước đã vận dụng những chính sách, đường lối phát triển đúng đắn, với cách tư duy, cách thực hiện riêng. Cùng chung ý kiến, ông Phí Văn Mai cho rằng những thành tựu đạt được trong năm thực hiện công cuộc Đổi mới của Việt Nam, nhất là về kinh tế, đối ngoại, là minh chứng rõ nét, khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta trong việc vận dụng Chủ nghĩa Marx – Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với thực tiễn của đất nước và xu thế phát triển khách quan của quốc tế và thời đại. Những kiều bào tại Lào như cô Lan Chi, ông Phí Văn Mai đều nhấn mạnh những thành tựu trên đã không ngừng nâng cao uy tín, củng cố vững chắc vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn quân, toàn dân trong và ngoài nước, đồng thời cũng cung cấp một hình mẫu tham khảo cho các nước để hướng đến một nền ngoại giao thân thiện, hài hòa, hợp tác cùng phát triển; một nền kinh tế độc lập, tự chủ, biết tận dụng, phát huy hiệu quả các nguồn lực cả bên trong và bên ngoài.
Như chia sẻ của ông Trần Đình Chín, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ngay ngày đầu nhậm chức đã khẳng định lại quan điểm và thực hành “dân là gốc”; “nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc Đổi mới”. Đây chính là chủ trương nhất quán của Đảng và tâm huyết bao năm qua của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng chính là động lực để toàn thể nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước đồng hành, ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng đại đoàn kết dân tộc, kiện toàn bộ máy trong sạch hơn, hiệu quả hơn thông qua công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí. Chính niềm tự hào dân tộc đã gắn kết mỗi người dân, bởi người Việt Nam, dù ở trong hay ngoài nước, đều cùng chung một cội nguồn con Lạc cháu Hồng.