Thu hồi tài sản tham nhũng là rất cần thiết
Theo thống kê từ năm 2013 đến tháng 10/2022, tổng số tiền phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng là khoảng 130.000 tỷ đồng, trong đó số tiền đã thu hồi được trên 60.000 tỷ đồng. Riêng năm 2022 đã thu hồi gần 15.000 tỷ đồng, chủ yếu là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo.
Năm 2022, đối với khoản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 1.895 việc, thu được gần 16 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 11.895 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021. Bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn cũng cho thấy một số vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật hiện hành về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Tại Hội thảo, bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp khẳng định, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế là nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay. Nếu tài sản trong các vụ án không thu hồi được thì mục đích của việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mới chỉ đạt được một nửa, đó là mới chỉ buộc người phạm tội chịu hình phạt, chưa buộc họ nộp lại tài sản đã chiếm đoạt hoặc gây thất thoát, lãng phí. Việc không thu hồi được tài sản trong các vụ án tham nhũng sẽ làm hạn chế hiệu quả hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tạo tâm lý coi thường pháp luật, bất bình trong dư luận.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đặt ra 3 mục tiêu đánh giá công tác thu hồi tài sản tham nhũng, xác định hạn chế, bất cập và nguyên nhân, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời đề xuất một số khuyến nghị, giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Từ Thủ đô Viên (Áo), qua kết nối trực tuyến với Hội thảo, ông Hyun Won Kim, điều phối viên của Tổ chức UNODC chia sẻ, có một thực tế đáng buồn là bất chấp những nỗ lực của các Chính phủ, tham nhũng hiện nay là trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trên toàn thế giới. Ước tính mỗi năm 1.000 tỷ đô la được chi để hối lộ, khoảng 2.600 tỷ đô la bị đánh cắp do tham nhũng. Theo ông Hyun Won Kim, nạn nhân của hành vi tham nhũng là em bé cần được đi học, bệnh nhân cần chữa trị và tất cả những ai đóng góp cho xã hội này.
Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng
Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội là đơn vị trọng điểm, có số việc và số tiền phải thi hành án hàng năm đứng thứ 2 toàn quốc, nơi tập trung nhiều vụ việc thi hành án dân sự lớn, phức tạp, đặc biệt án kinh tế tham nhũng, án tín dụng ngân hàng... với số tiền thi hành án lớn, liên quan đến nhiều cấp, ngành. Kết quả công tác thi hành án dân sự, công tác thu hồi tài sản của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố ảnh hưởng rất lớn đến kết quả chung của toàn quốc.
Ông Trần Quốc Thái, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội thông tin, những năm gần đây, cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố tổ chức thi hành án trong điều kiện số lượng án thi hành ngày càng tăng cao về vụ việc và số tiền, có vụ án thiệt hại cho nhà nước phải thu hồi lên đến hơn 4.000 tỷ đồng…
Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đề xuất rút gọn quy trình đối với việc xử lý tài sản án tham nhũng kinh tế để rút ngắn thời gian thu hồi tài sản cho nhà nước, từ đó giảm áp lực cho thành viên của cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Theo ông Nguyễn Kim Sáu, Vụ trưởng Vụ 11, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế cần yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, đơn vị phối hợp chặt chẽ với cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan Thi hành án dân sự, cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước trong công tác phát hiện, xử lý và thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Cùng với đó là tăng cường phối hợp trong việc xác minh tài sản, áp dụng các biện pháp tư pháp, nghiệp vụ để bảo đảm thu hồi tài sản ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm và trong suốt quá trình giải quyết vụ án nhằm chống việc tẩu tán tài sản…
Theo bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án Dân sự, Bộ Tư pháp, giải pháp toàn diện nhất vẫn là tiếp tục hoàn thiện thể chế và cần có văn bản pháp luật quy định riêng về thủ tục thu hồi tài sản tham nhũng kinh tế, bắt đầu từ giai đoạn xử lý tin báo tố giác tội phạm mới ngăn chặn được việc tẩu tán tài sản, bảo đảm thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát. Bởi lẽ hiện nay, những vụ việc tham nhũng giao dịch bằng tiền mặt khó kiểm soát hoặc việc tẩu tán tài sản thông qua các giao dịch internet banking rất nhanh chóng, gây thất thoát tài sản.
Tại Hội thảo, UNODC cam kết hợp tác với Bộ Tư pháp cùng các bên liên quan đẩy mạnh thu hồi, trả lại tài sản bị đánh cắp, giảm thiểu đáng kể tham nhũng và hối lộ dưới mọi hình thức, thúc đẩy cơ hội bình đẳng, phát triển bền vững.