Cuối giờ sáng, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đã có giải trình về ý kiến các ĐBQH nêu.
Một số đại biểu cho rằng, cơ quan tố tụng cần chú ý xem xét việc xử lý các vụ án bị kéo dài. Theo đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn ĐBQH Bình Định), qua kết quả công tác điều tra, xét xử, thi hành án, đã có nhiều vụ án lớn được xét xử nghiêm minh và được dư luận, cử tri đồng tình. Tuy nhiên, đến nay có một số vụ án, vụ việc đã xảy ra từ lâu, được các đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội nhiều lần kiến nghị, kể cả tại các phiên họp, các diễn đàn Quốc hội và các phiên phát thanh, truyền hình trực tiếp, được các cử tri và nhân dân quan tâm, nhưng đến nay kết quả giải quyết cuối cùng vẫn chưa có. Đơn cử, như vụ Hồ Duy Hải, vụ phân bón Thuận Phong của Đồng Nai, vụ buôn lậu gỗ trắc của Quảng Trị.
“Tôi đề nghị các cơ quan hữu quan nghiên cứu xem xét, sớm giải quyết dứt điểm các vụ án nêu trên nói riêng và các vụ án tồn đọng kéo dài nói chung”, Đại biểu Lý Tiết Hạnh kiến nghị.
Tiếp thu ý kiến các địa biểu, Viện trưởng Lê Minh Trí nói: “Với trách nhiệm của các cơ quan tố tụng, mỗi cơ quan có phần trách nhiệm giải trình của mình. Có những vụ việc, vụ án, chúng tôi đang tiến hành các biện pháp tố tụng điều tra, làm rõ theo đúng luật định. Khi có kết quả chúng tôi sẽ thông tin đầy đủ đến đại biểu".
Liên quan đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát, ông Lê Minh Trí cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã yêu cầu các cơ quan tố tụng phải làm tốt hơn nữa công tác thu hồi tài sản tham nhũng và thất thoát. “Những năm gần đây, chúng ta đã làm tốt hơn, tích cực hơn. Tuy nhiên, so với yêu cầu vẫn chưa đạt kết quả cao”, ông Lê Minh Trí nhấn mạnh.
Theo Viện trưởng VKSND Tối cao, tại hội nghị tổng kết 8 năm thi hành Luật phòng chống tham nhũng, ông Lê Minh Trí đã đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào chương trình việc xây dựng Luật Đăng ký tài sản.
“Hiện chúng ta mới kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, còn đối tượng ngoài xã hội đang đứng tên, chiếm hữu, có chứng minh nguồn gốc hợp pháp hay không thì chúng ta còn khoảng trống lớn ngoài xã hội”, ông Lê Minh Trí nhận định và cho rằng, nếu chưa có Luật Đăng ký tài sản, thì các đối tượng có thủ đoạn che giấu, ẩn nấp, nhờ người khác đứng tên xe ô tô, nhà đất… sẽ không “đụng” vào được.
Ngoài ra, Viện trưởng VKSND Tối cao cũng kiến nghị Chính phủ nên có lộ trình cho việc hạn chế sử dụng tiền mặt, các hoạt động kinh tế minh bạch thì chống tham nhũng, thu hồi tài sản mới tốt được.
Vấn đề cuối cùng, Viện trưởng VKSND Tối cao nêu: Gần đây, có một số đối tượng có hành vi thông qua hoạt động từ thiện, tranh chấp nhau, xung đột, có hành vi lợi dụng mạng xã hội gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục, gây phản cảm trong đời sống xã hội. “Theo điều 331 Bộ Luật hình sự, đây là tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân”, ông Lê Minh Trí khẳng định và cho biết thời gian tới, các cơ quan tố tụng sẽ xem xét hành vi này, xử lý nghiêm để bảo đảm trật tự kỷ cương của xã hội.