Phiên họp do Ngoại trưởng Estonia, nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 5/2020, chủ trì cũng có sự tham dự, phát biểu của 48 Bộ trưởng Ngoại giao và nhiều đại diện các nước thành viên Liên hợp quốc. Nhân dịp này, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Phiên họp này:
Xin cảm ơn Ngài Chủ tịch đã có sáng kiến tổ chức buổi họp ngày hôm nay, dù dưới hình thức trực tuyến, nhân dịp kỷ niệm quan trọng này.
Kính thưa Ngài Chủ tịch,
Cách đây bảy mươi lăm năm, cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử loài người đã khép lại sau khi gây thương đau không kể xiết cho hàng trăm triệu người dân trên thế giới.
Nhân dịp này, chúng tôi xin được gửi những lời tri ân tới sự hy sinh, mất mát của các dân tộc Âu, Á, Phi, của những người lính Đồng minh và nhất là của nhân dân Xô Viết đã ngã xuống trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Chiến thắng trước quân phát xít và xâm lược trong cuộc Thế chiến, và trong tất cả các cuộc chiến tranh và xung đột, đã chứng minh rằng mọi hành động bành trướng, quân phiệt và tham vọng chinh phục, thống trị không bao giờ có thể thuyết phục được ý chí của các dân tộc tranh đấu vì độc lập và tự do.
Không một thế lực nào có thể dập tắt được khao khát cháy bỏng của mọi dân tộc được sống trong hòa bình và những giá trị chung của nhân loại.
Với Việt Nam, Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc đã mang lại cho đất nước một khởi đầu mới. Việt Nam đã giành được độc lập sau gần một thế kỷ dưới chế độ thực dân.
Vươn lên từ đống tro tàn của Thế chiến thứ hai, các quốc gia đã cùng nhau chung tay xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng hơn.
Từ những nỗ lực đó, một hệ thống an ninh tập thể dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc đã ra đời.
Sự kết thúc của chiến tranh, đáng tiếc thay, không đảm bảo hòa bình được bền vững. Chủ nghĩa thực dân và những hành động xâm lược vẫn tiếp tục tàn phá các quốc gia. Đất nước Việt Nam chúng tôi cũng đã phải nếm trải thêm hàng thập kỷ chiến tranh tàn khốc trước khi giành được thắng lợi cuối cùng là hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước.
Từ những bài học được rút ra từ Chiến tranh Thế giới thứ hai và lịch sử đất nước mình, Việt Nam tin tưởng mạnh mẽ rằng tuân thủ luật pháp quốc tế, tăng cường hợp tác, tình đoàn kết và lòng tin ở cấp độ toàn cầu có ý nghĩa then chốt để gìn giữ ổn định và hòa bình quý giá trên thế giới.
Những tôn chỉ, mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc, nhất là các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng vũ lực và giải quyết hòa bình các tranh chấp đã đóng vai trò chủ đạo trong việc ngăn ngừa một thảm họa chiến tranh toàn cầu và góp phần xây dựng nền hòa bình bền vững.
Điều này cũng đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khẳng định trong Tuyên bố Chủ tịch đầu năm nay, theo đó: “Hội đồng Bảo an tái khẳng định cam kết đối với một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ; đây là nền tảng vững chắc cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn”.
Ở châu Á, bài học thành công của ASEAN biến Đông Nam Á từ một khu vực bị chiến tranh tàn phá và chia rẽ sâu sắc thành một khu vực hữu nghị và hợp tác là một minh chứng điển hình. ASEAN cũng đã chứng tỏ vai trò quan trọng của các tổ chức khu vực trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Để khép lại bài phát biểu của mình, tôi xin phép được trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn hóa kiệt xuất được UNESCO vinh danh. Người viết: "Nhân dân nước nào cũng yêu chuộng hòa bình, cũng chán ghét chiến tranh, cũng muốn sống tự do độc lập". Những lời nói ấy thể hiện khát vọng của tất cả các dân tộc muốn ngưng mọi tiếng súng và chấm dứt mọi cuộc chiến tranh, xây dựng nền hòa bình bền vững.
Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng khát vọng chung của loài người về hòa bình, tự do và công lý và quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ sẽ chiến thắng mọi hành vi đối đầu, sử dụng vũ lực cùng những âm mưu thống trị và chinh phục.
Xin cảm ơn Ngài Chủ tịch!