Nếu như giai đoạn 2011 - 2015, Hà Tĩnh - vùng đất từng được coi là “chảo lửa núi mưa” về sự khắc nghiệt của khí hậu, điều kiện tự nhiên lại trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng thuộc diện cao nhất cả nước với mức bình quân hàng năm trên 17%, thu ngân sách trong 5 năm tăng gấp 6 lần thì năm 2016 với sự cố môi trường biển, thiên tai, lũ lụt trở thành một năm đặc biệt khó khăn đối với địa phương đang trên đà bứt phá mạnh mẽ này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
GRDP năm 2016 của Hà Tĩnh giảm tới 16,87%, thu ngân sách không hoàn thành chỉ tiêu tỉnh đặt ra, ngành thủy sản và dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp sau sự cố môi trường. Điều đáng lo ngại là tình trạng này tiếp tục ảnh hưởng đến nửa đầu năm 2017.
Song, với những nỗ lực toàn diện, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh vẫn đạt được những cải thiện đầu tiên trong các chỉ tiêu kinh tế-xã hội. GRDP đạt 5,16%, trong đó, khu vực nông nghiệp giảm 3,4%, công nghiệp và xây dựng tăng 10,07%, dịch vụ tăng 5,8%. Tổng thu ngân sách đạt 3.764 tỷ đồng, đạt 49% dự toán. Những tín hiệu tốt xuất hiện chủ yếu nằm ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp và du lịch.
Theo đó, sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao, ước đạt 13.551 tỷ đồng, tăng 40,20% so với cùng kỳ mà đóng góp chủ yếu là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành sản xuất phân phối điện. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực như: điện, thép, sợi tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch ước đạt 2.229 tỷ đồng, tăng 1,72%. Tổng khách du lịch đến Hà Tĩnh ước đạt 820.000 lượt, tăng 15,4% so với cùng kỳ, đạt ,3% kế hoạch năm; trong đó khách quốc tế là 14.500 lượt, tăng 11,5% cùng kỳ. Tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt 3.764 tỷ đồng, đạt 49% dự toán năm, tăng 5,1% so với cùng kỳ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng nhìn nhận: Trong bối cảnh kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn do sự cố môi trường từ năm 2016, nhưng Đảng bộ, chính quyền nhân dân Hà Tĩnh đã tích cực thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ và khắc phục sự cố; thực hiện tốt chính sách chuyển đổi nghề, hỗ trợ việc làm cho người dân chịu thiệt hại; nỗ lực đạt kết quả kinh tế-xã hội nhiều mặt; cùng với đó là tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, cơ quan liên quan trong quá trình giám sát việc khắc phục, xử lý các tồn tại, vi phạm của công ty Formosa.
Thủ tướng đánh giá cao tinh thần năng động, vượt khó vươn lên của chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, đặc biệt là việc duy trì và phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí trong cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh. Cán bộ tích cực trong công tác, sâu sát với cơ sở để tìm giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, Hà Tĩnh còn là vùng quê giàu truyền thống hiếu học, thường xuyên có học sinh đạt giải cao. Tỉnh cũng thực hiện tốt chính sách chuyển đổi nghề cho nông dân, cải cách hành chính; an ninh chính trị, trật tự được giữ vững.
Song bên cạnh những thành tựu, chỉ ra một số tồn tại hạn chế của địa phương, Thủ tướng cho rằng, Hà Tĩnh vẫn còn là tỉnh nghèo. Với kết quả những tháng đầu năm, để hoàn thành kế hoạch 2017, tỉnh cần phải đạt trên 10%, đây là một mục tiêu khó khăn, đòi hỏi sự phấn đấu quyết liệt mới có thể hoàn thành.
Đặc biệt, vấn đề môi trường mới chỉ được giải quyết một bước, tỉnh cần tiếp tục giám sát hết sức chặt chẽ 2 Lò Cao số 1, số 2 của dự án FHS bởi khi đó, sản lượng thép lên đến 10 triệu tấn/năm phải luôn có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng và chính người dân địa phương. Ngoài ra, an ninh trật tự còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, cần chú ý đề phòng, chủ động các phương án trong mọi tình huống.
Góp ý vào phương hướng, nhiệm vụ của tỉnh trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Hà Tĩnh cần nỗ lực vươn lên trên tinh thần kiến tạo, chủ động hơn nữa trong quản lý, điều hành, không ngừng hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy phát triển kinh tế-xã hội.