Sáng nay 11/4, tại phiên họp thứ 23, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Thừa uỷ quyền của Chính phủ trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, việc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật trên tinh thần thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, theo đó, “Từng bước mở rộng hoạt động PCTN ra khu vực ngoài nhà nước”.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Việc áp dụng bắt buộc một số chế định về PCTN sẽ thực hiện đối với một số tổ chức xã hội, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, bởi hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp này có ảnh hưởng đáng kể đến đời sống xã hội, sự phát triển lành mạnh, ổn định của nền kinh tế và quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên, cá nhân, tổ chức có liên quan.
Tuy nhiên, Quỹ đầu tư không phải là pháp nhân, không có bộ máy điều hành, mà chịu sự quản lý của công ty quản lý quỹ với các quy định rất chặt chẽ. Phần lớn các quỹ đầu tư là quỹ đại chúng do công ty quản lý quỹ thành lập, quản lý, nhưng đều chịu sự giám sát của ngân hàng. Vì vậy, so với dự thảo Luật trình Quốc hội vào tháng 10/2017, Chính phủ đề nghị không đưa quỹ đầu tư là đối tượng áp dụng một số biện pháp PCTN trong Dự thảo lần này.
Về nội dung các quy định PCTN trong khu vực ngoài nhà nước, trong dự thảo luật, Chính phủ đã tiếp thu, chỉnh lý Chương VIII dự thảo Luật theo hướng cụ thể, đảm bảo tính thống nhất với các luật chuyên ngành như: Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp...
Theo đó, việc áp dụng bắt buộc các biện pháp về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động; kiểm soát xung đột lợi ích; trách nhiệm của người đứng đầu cần căn cứ vào các quy định của Luật PCTN và các luật khác có liên quan…
Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến Uỷ ban Tư pháp tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trong khi chúng ta còn chưa làm tốt công tác PCTN trong khu vực nhà nước, thì trước mắt chưa nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, mà tập trung nguồn lực làm tốt công tác PCTN trong khu vực nhà nước.
Đối với các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ khu vực ngoài nhà nước, nếu đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Về thanh tra, kiểm tra về PCTN đối với khu vực ngoài nhà nước (Điều 100 và Điều 103 của dự thảo Luật), Uỷ ban Tư pháp có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cơ bản tán thành với quy định cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác PCTN ở khu vực ngoài nhà nước, để tránh tính hình thức trong quá trình thực hiện.
“Tuy nhiên, cần phải quy định hết sức chặt chẽ về căn cứ, điều kiện, thẩm quyền, trình tự thủ tục trong hoạt động này để bảo đảm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích khởi nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị không quy định về kiểm tra, thanh tra đối với công tác PCTN ở khu vực ngoài nhà nước vì cho rằng, pháp luật hiện hành đã có các quy định chặt chẽ về công khai, minh bạch, công bố thông tin và có đầy đủ các quy định về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với khu vực này.
Việc quy định thanh tra, kiểm tra về công tác PCTN đối với khu vực ngoài nhà nước phải được nghiên cứu, xem xét thận trọng để vừa bảo đảm hiệu quả công tác đấu tranh PCTN, vừa không làm ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh bình thường của các chủ thể này.