Tại buổi lễ, các đại biểu dâng hoa, thắp nén tâm hương bày tỏ lòng tri ân, biết ơn vô hạn đối với các anh hùng, liệt sĩ đã không tiếc máu xương, hiến dâng tuổi thanh xuân để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; lắng nghe truyền thống lịch sử của dân tộc và công lao của các chiến sĩ Hải quân, đặc biệt là sự hy sinh của 64 cán bộ, chiến sĩ trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma.
Đại tá Phạm Văn Thọ, Chính ủy Lữ đoàn 146 - đơn vị Hải quân phụ trách huyện đảo Trường Sa khẳng định: Kỷ niệm 36 năm trận chiến bảo vệ Gạc Ma là dịp đặc biệt để giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng tự hào, truyền thống đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của các thế hệ đi trước cho các cán bộ, chiến sĩ công tác tại đơn vị. Đặc biệt, thế hệ trẻ hôm nay luôn ghi nhớ, trân trọng công lao của các anh hùng, liệt sĩ và càng quyết tâm hơn rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới biển, đảo của quê hương, Tổ quốc.
Đại diện thân nhân các gia đình liệt sĩ đã hy sinh tại Gạc Ma và các cựu chiến binh, cựu quân nhân từng công tác, chiến đấu tại Trường Sa dành một phút mặc niệm và dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ. Thương binh Lê Văn Thoa (tên thường gọi Lê Minh Thoa, hiện ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) - người đã tham gia trận chiến đấu ác liệt bảo vệ đảo Gạc Ma cũng có mặt để thắp hương tưởng nhớ các đồng đội đã ngã xuống. Ông Thoa mong muốn các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quyết tâm học tập, rèn luyện, cống hiến, sẵn sàng tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc.
Cách đây 36 năm, ngày 14/3/1988, tại đảo Gạc Ma, các cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã đứng thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc cắm trên đảo, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Sự hy sinh anh dũng của các anh đã được khắc họa bằng cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” kiêu hãnh ở khu tưởng niệm do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện.
Từ năm 2017 đến nay, ước tính có trên 600.000 lượt người dân, du khách đến tham quan, tri ân tại Khu tưởng niệm Gạc Ma.