Toàn cảnh đại hội, sáng 23/10. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN |
Đại hội có chủ đề "Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, đổi mới mạnh mẽ và vững chắc, phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc". Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Tham dự Đại hội còn có các đồng chí: Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương; các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương và các địa phương bạn.
Nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã gửi lẵng hoa chúc mừng đại hội, thể hiện tình cảm và sự quan tâm sâu sắc đối với quê hương cách mạng, Thủ đô kháng chiến.
Báo cáo Chính trị trình bày tại Đại hội nêu rõ: 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, tỉnh Tuyên Quang đã đạt được những kết quả to lớn, tương đối toàn diện.
Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2010 - 2015 của tỉnh Tuyên Quang đạt 14,08%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 1.3 USD, hoàn thành mục tiêu đưa Tuyên Quang thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển.
Tuyên Quang đã huy động được nhiều nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông; các tuyến đường từ trung tâm huyện đến trung tâm các xã cơ bản được nhựa hóa, bê tông hóa; thực hiện có hiệu quả chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Bộ mặt nông thôn, đô thị có nhiều đổi thay rõ rệt. Tỉ lệ che phủ rừng đạt trên 64% và trở thành một trong những địa phương có độ che phủ rừng cao nhất cả nước.
Tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, thành lập trường đại học Tân Trào, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quan tâm chăm lo đời sống, sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, giảm tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 10%.
Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được tổ chức sâu rộng và có hiệu quả, ngày càng có nhiều thôn, bản, tổ nhân dân, gia đình văn hóa tiêu biểu. Công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại được chú trọng; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, không để xảy ra những vấn đề phức tạp, góp phần vào sự ổn định chung của đất nước.
Tuyên Quang đã tích cực tiến hành công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo chuyển biến về tinh thần trách nhiệm, ý thức rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ, đảng viên, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.
Công tác cán bộ được triển khai tương đối đồng bộ và toàn diện, đã trẻ hóa và nâng cao một bước chất lượng đội ngũ cán bộ Đảng, đoàn thể, cán bộ lãnh đạo, quản lý; tỉ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số có chuyển biến tích cực...
Tuy nhiên, Tuyên Quang vẫn là một tỉnh nghèo, còn nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô kinh tế nhỏ, phát triển chưa bền vững, nguy cơ tụt hậu về kinh tế so với cả nước còn cao; hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, sản xuất vẫn ở tình trạng manh mún, nhỏ lẻ; phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; đời sống một bộ phận đồng bào vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn...
Phát biểu tại đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt biểu dương những kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, tạo tiền đề quan trọng cho tỉnh tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Trong nhiệm kỳ tới, Tuyên Quang cần tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất, sức cạnh tranh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông, lâm nghiệp, khai thác tốt tiềm năng lợi thế về đất đai, lao động; chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật canh tác, công nghệ cao; phát triển vùng cây ăn quả, cây công nghiệp tập trung; đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Tuyên Quang cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, giao đất, giao rừng, trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; khai thác có hiệu quả diện tích rừng hiện có, kết hợp với phát triển kinh tế đồi rừng, vườn rừng, trang trại; bảo đảm nông nghiệp sau khi cơ cấu lại trở thành ngành có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho nông dân; chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, đầu tư thích đáng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới một cách vững chắc.
Bên cạnh đó, tỉnh cần có kế hoạch và biện pháp tích cực hơn nữa để đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp và dịch vụ; xác định rõ các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; từng bước phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp xanh để góp phần xây dựng nền tảng sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Là tỉnh giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, nơi có Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, cùng với thiên nhiên ưu đãi, nhiều danh thắng tạo nét đẹp riêng cho Tuyên Quang, tỉnh cần coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa phát triển du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái và nghỉ dưỡng... phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Tổng Bí thư chỉ rõ: Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới, Tuyên Quang cần tập trung cải cách hành chính, tư pháp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; phát huy lợi thế liên kết vùng, chủ động kết nối chặt chẽ hơn với các tỉnh trong khu vực.
Tập trung đầu tư kết nối giao thông với các tỉnh lân cận theo quy hoạch để tạo điều kiện cho giao thương kinh tế phát triển; làm tốt công tác quy hoạch phát triển đô thị, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, nâng cấp thành phố Tuyên Quang trở thành đô thị mang đặc trưng của đô thị miền núi; xây dựng hạ tầng trung tâm các huyện lỵ, trung tâm cụm xã đáp ứng hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, cùng với phát triển kinh tế, Tuyên Quang cần lãnh đạo phát triển văn hóa - xã hội, trong đó chú trọng phát triển giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm công tác bảo tồn, phát huy truyền thống và phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, thôn bản, tổ nhân dân văn hóa.
Tổng Bí thư yêu cầu Tuyên Quang tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, trọng tâm là thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, tập trung vào 3 vấn đề cấp bách và 4 nhóm giải pháp gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định đây là nhiệm vụ then chốt thường xuyên; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc, kỷ cương, kỷ luật của Đảng, thường xuyên tự phê bình và phê bình, giữ gìn đoàn kết trong Đảng. Đồng thời, Tuyên Quang cần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, tích cực tham gia các hoạt động giám sát chính quyền, bảo đảm chính quyền thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Tổng Bí thư mong muốn: Là tỉnh có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, Tuyên Quang cần làm tốt việc khơi dậy truyền thống cách mạng, truyền thống đoàn kết các dân tộc; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc từ cơ sở... Đây là việc làm có ý nghĩa chiến lược quan trọng, là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI sẽ bế mạc vào ngày 24/10/2015.
Trước đó, tại thành phố Tuyên Quang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ Bác Hồ, thành kính tưởng nhớ và biết ơn công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc; thăm Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành; trồng cây lưu niệm tại Trung tâm hội nghị tỉnh Tuyên Quang.