Các đại biểu đã thảo luận và nhất trí thông qua nhiều nghị quyết, gồm: điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; bổ sung Kế hoạch đầu tư và xây dựng năm 2020 tỉnh Tuyên Quang. Đồng thời, cho ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư sinh thái Mimosa, huyện Yên Sơn; dự án Khu đô thị dịch vụ và dân cư Nông Tiến, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư các dự án xây dựng đường giao thông từ Trường Tiểu học Khuôn Hà đến đèo Kéo Ráo (thôn Nà Vàng, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình), cầu Xuân Vân vượt sông Gâm (huyện Yên Sơn), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, Trung tâm bồi dưỡng chính trị - Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình…
Các đại biểu cũng đã thảo luận và nhất trí thông qua Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021 – 2025 với tổng kinh phí dự kiến là 788 tỷ đồng. Đề án nhằm thực hiện mục tiêu tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thiện hệ thống cầu trên đường giao thông nông thôn; tiếp tục thực hiện chương trình bê tông hóa theo phương thức “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” ở những nơi có đủ điều kiện thực hiện và đảm bảo chất lượng công trình, tạo thành phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, từ đó tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong các thôn, xóm, bản, tổ nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phát triển, hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi, phục vụ sản xuất, đảm bảo lưu thông hàng hóa, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tạo tiền đề cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
Theo đó, giai đoạn 2021 – 2025, Tuyên Quang phấn đấu thực hiện bê tông hóa trên 1.080 km đường thôn và đường nội đồng, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định. Trong đó, đường thôn 620 km, nâng tỷ lệ bê tông hóa đường thôn trên địa bàn toàn tỉnh sau khi thực hiện đề án này đạt trên 80%; đường nội đồng 460 km, đạt trên 60%. Đồng thời, xây dựng ít nhất 200 cầu (hằng năm căn cứ vào tiến độ thực hiện, nhu cầu cấp thiết của người dân và khả năng cân đối nguồn lực tài chính sẽ xem xét điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thực hiện).
Cụ thể, đối với đường giao thông nông thôn (đường thôn), thực hiện công trình theo phương thức “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Theo đó, nhà nước hỗ trợ xi măng, ống cống và chi phí vận chuyển, bốc xếp đến địa điểm thi công gần nhất có đường ô tô; kinh phí thuê máy trộn bê tông và kinh phí cho công tác quản lý. Nhân dân tự nguyện hiến đất và giải phóng mặt bằng; đóng góp ngày công lao động, máy móc phục vụ thi công, vật tư, vật liệu và tự tổ chức thi công công trình đảm bảo chất lượng.
Đối với cầu trên đường giao thông nông thôn, nhà nước đầu tư 100% kinh phí xây dựng; nhân dân tự nguyện giải phóng mặt bằng phạm vi xây dựng cầu và đường dẫn và đường kết nối.
Phát biểu tại kỳ họp, bà Phạm Thị Minh Xuân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, các công trình, dự án được thông qua tại kỳ họp có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang; góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực gắn với việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu, các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII đã đề ra… Bà Phạm Thị Minh Xuân đề nghị, ngay sau khi các nghị quyết của HĐND tỉnh được ban hành, UBND tỉnh cần khẩn trương chỉ đạo, triển khai thực hiện các công trình, dự án đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định; ưu tiên nguồn lực và chú ý tuyên truyền để nhân dân làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, UBND các huyện và thành phố Tuyên Quang đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình; thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, vướng mắc… đảm bảo các nghị quyết của HĐND tỉnh được thực hiện hiệu quả.