Linh hoạt trong tuyên truyền bầu cử
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường, hiện nay các địa phương đều đã chuẩn bị sẵn sàng cho ngày bầu cử 23/5. Tuy gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 nhưng các tổ chức phụ trách bầu cử đang nỗ lực cao nhất để tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và bẩu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Đặc biệt, để phòng ngừa COVID-19, nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả, đã được áp dụng như: Công khai danh sách cử tri trên nền tảng mạng xã hội zalo; lập sổ phản ánh để người dân có thể ghi kiến nghị đính chính, sửa đổi, bổ sung thông tin trong việc lập và niêm yết danh sách cử tri.
Trong lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tổ chức các hoạt động bằng hình thức trực tuyến và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời chuẩn bị tốt cơ sở vật chất phục vụ cho cuộc bầu cử, như: Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia các tổ chức bầu cử; ban hành phương án tổ chức bầu cử trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19. Tổ chức tiếp xúc cử tri vận động bầu cử bảo đảm công bằng, dân chủ và điều chỉnh linh hoạt.
Tìm hiểu thực tế tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy (Hà Nội), chúng tôi được biết: Hiện trên địa bàn phường Quan Hoa có 6 điểm bầu cử, đến thời điểm này Đảng ủy, HĐND, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường đã cơ bản hoàn thành phục vụ cuộc bầu cử ngày 23/5. Việc trang trí điểm bầu cử, nước sát khuẩn, khẩu trang… phòng, chống dịch COVID-19 ở 6 điểm bầu cử đã chuẩn bị chu đáo.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch UBND phường Quan Hoa ho biết: Toàn phường có khoảng 14.200 cử tri sẽ đi bỏ phiếu bầu cử ĐBQH khóa XV và bẩu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Hiện nay công tác khánh tiết, trang trí ở cả 6 tổ đã xong và đang thực hiện phương án để đảm bảo cử tri đi bầu an toàn trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19.
“Trong công tác thông tin tuyên truyền, chúng tôi đã gửi danh sách cử tri để nhân dân tự rà soát họ và tên, ngày tháng năm sinh, lý lịch trích ngang của các ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp… qua nhóm zalo để nhân dân tiện theo dõi, phản hồi tới Ban bầu cử của phường (nếu có) để chỉnh sửa. Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nên phường Quan Hoa không tổ chức những hội nghị tọa đàm, nhưng vẫn tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri bằng hình thức trực tuyến để nhân dân tiện theo dõi và bảo đảm tốt công tác phòng chống dịch”, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết.
Đa dạng hình thức vận động bầu cử
Được biết, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã có văn bản số 61/HD-MTTW-BTT về hướng dẫn tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
Theo ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, việc tổ chức các hội nghị hiệp thương để vận động bầu cử tại các địa phương có dịch COVID-19 cần bảo đảm các định hướng sau: Một là, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; có sự trao đổi, thống nhất giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử và Ủy ban bầu cử cùng cấp về số cuộc và hình thức tổ chức để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh ở địa phương mình. Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Hai là, bảo đảm người ứng cử được tiếp cận rộng rãi với cử tri và bảo đảm bình đẳng giữa những người ứng cử bằng các hình thức phù hợp, không trái với quy định của pháp luật, không vi phạm những điều cấm trong vận động bầu cử. Ba là, bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của địa phương.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nêu rõ, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thống nhất với Ủy ban bầu cử cùng cấp về số lượng và cách thức tổ chức vận động bầu cử phù hợp với thực tế ở địa phương vừa bảo đảm quyền vận động bầu cử của người ứng cử, vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, không nhất thiết phải bảo đảm số cuộc tiếp xúc cử tri theo hướng dẫn tại Thông tri số 13/TT-MTTW-BTT ngày 19/1/2021 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Đối với những địa phương ở trạng thái bình thường hoặc thực hiện giãn cách xã hội có thể tổ chức hội nghị trực tiếp hoặc trực tuyến.
Trước khi tổ chức hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cần liên hệ, xác định rõ số lượng và thành phần đại biểu tham dự hội nghị theo đúng quy định tại Điều 66 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Việc mời và xác định số lượng, thành phần đại biểu tham dự có thể thực hiện qua hình thức điện thoại, email, tin nhắn hoặc sử dụng các ứng dụng như zalo, viber. Phải bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của địa phương.
Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng lưu ý việc sắp xếp các chỗ ngồi giữ khoảng cách an toàn theo hướng dẫn. Đối với những nơi đang áp dụng các biện pháp cách ly xã hội hoặc áp dụng biện pháp phong tỏa không thể tổ chức hội nghị theo hình thức tập trung thì Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam (cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử) báo cáo cấp ủy, các tổ chức phụ trách bầu cử cùng cấp lựa chọn hình thức phù hợp, khuyến khích các hình thức vận động bầu cử thông qua hình thức các phương tiện thông tin đại chúng như: Phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử của các tổ chức phụ trách bầu cử, niêm yết, in gửi, đăng tải về chương trình hành động và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến địa bàn khu dân cư, hộ gia đình và cử tri.
Trường hợp người ứng cử bị mắc COVID-19 đang điều trị tại cơ sở y tế hoặc đang được cách ly thì Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam (cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử) thống nhất với Ủy ban bầu cử cùng cấp về cách thức tổ chức vận động bầu cử, khuyến khích các hình thức vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử của các tổ chức phụ trách bầu cử, niêm yết, in gửi, đăng tải chương trình hành động và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử đến địa bàn khu dân cư, hộ gia đình và cử tri.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động, linh hoạt tổ chức, triển khai thực hiện và hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã thực hiện để bảo đảm tiến độ tổ chức bầu cử và đúng quy định của pháp luật.