Tỷ lệ gỡ video xấu độc trên nền tảng YouTube từ 50% lên 90%

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn về tình trạng thời gian qua xuất hiện nhiều clip, video độc hại trên nền tảng YouTube, ảnh hưởng tới tâm lý, thậm chí tính mạng của trẻ em, chiều 6/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Hiện nay tỷ lệ tháo gỡ video xấu độc, vi phạm pháp luật trên YouTube đã nâng từ 50% lên 90%. 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ TT&TT đã đạt được thỏa thuận với YouTube, theo đó, cơ quan chức năng Việt Nam thông báo có kênh vi phạm pháp luật thì nền tảng này sẽ dừng việc ăn chia tiền quảng cáo. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm một số cá nhân sản xuất các nội dung xấu độc. Người dân và tổ chức khi phát hiện video xấu, độc có thể thông báo tới đường dây nóng của Bộ và các Sở TT&TT để xử lý. "Thời gian tới, việc này sẽ phải làm rất nghiêm", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh

Bộ TT&TT sẽ làm việc với YouTube để nâng tỷ lệ thực thi pháp luật không phải 90% mà là 100%; phát triển công cụ phát hiện video xấu, độc. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, việc này rất khó nhưng sẽ cương quyết làm. Hiện có 120.000 người Việt Nam đăng ký làm video trên nền tảng này; trong đó 15.000 kênh thu tiền quảng cáo, 350 kênh có hàng triệu người theo dõi.

Đề cập về vấn nạn tin giả trên mạng xã hội (Facebook), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Tin giả ở Việt Nam xảy ra trên các nền tảng xuyên biên giới, chủ yếu trên Facebook và YouTube. Việt Nam là nước có chủ quyền trên không gian mạng nên các nền tảng xuyên biên giới buộc phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Bộ TT&TT đang làm rất quyết liệt để làm sạch không gian mạng, như ban hành quy định xử lý vi phạm hành chính trên mạng.

“Công cụ quản lý cũng đã được xây dựng và nâng cấp Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia, có thể xử lý khoảng 300 triệu tin/ngày nhằm phân tích, đánh giá, phân loại phát hiện sớm; hình thành các đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về tin giả, xấu độc”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bộ TT&TT đã làm việc với các nền tảng xuyên biên giới, nhất là là Facebook và YouTube, yêu cầu gỡ bỏ thông tin xấu độc. Đối với Facebook, tỷ lệ gỡ bỏ thông tin xấu, độc đã tăng từ 10% lên 90%. Số lượng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook năm 2020 đã tăng 30 lần so với năm 2017; tương tự, số video xấu độc trên YouTube được gỡ bỏ năm 2020 tăng 8 lần so với năm 2017; số trang giả mạo gỡ bỏ trong năm 2020 tăng 8 lần so với năm 2017.

Ngoài ra, Bộ TT&TT tích cực phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tăng cường thu thuế đối với các nền tảng xuyên biên giới. Hiện nhiều công ty lớn phát sinh doanh thu tại Việt Nam hàng tỷ USD nhưng chưa đóng thuế.

Năm 2021, Bộ TT&TT tiếp tục sửa các quy định liên quan đến mạng xã hội và tin giả; đồng thời năm nay sẽ ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng; yêu cầu định danh người dùng mạng xã hội. Đây là giải pháp căn cơ, để người sử dụng không còn nghĩ rằng lên mạng xã hội là vô danh để rồi vô trách nhiệm.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đề nghị Quốc hội sửa đổi hình thức xử phạt cá nhân, tổ chức liên quan đến việc đăng tin giả, thay vì phạt răn đe thì phạt theo doanh thu với các công ty xuyên biên giới, ví dụ khoảng 4% doanh thu.

Minh Phương/Báo Tin tức (ghi)
Các nhà quảng cáo đạt được thỏa thuận quan trọng với Facebook, YouTube, Twitter
Các nhà quảng cáo đạt được thỏa thuận quan trọng với Facebook, YouTube, Twitter

Facebook, YouTube và Twitter ngày 23/9 đã đạt được thỏa thuận với các nhà quảng cáo chủ chốt liên quan những nội dung độc hại trong các thông tin và video đăng tải trên những nền tảng trực tuyến này, trong đó đưa ra những nhượng bộ nhằm hàn gắn mối quan hệ đã bị rạn nứt sau chiến dịch tẩy chay các nền tảng truyền thông xã hội hồi tháng 7 vừa qua. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN