UBND TP Hồ Chí Minh giao Ban Quản lý dự án đầu tư hạ tầng đô thị thành phố khẩn trương triển khai theo đúng quy định, thẩm quyền và đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả của dự án.
Trước đó, Ban Quản lý dự án Hạ tầng TP Hồ Chí Minh kiến nghị UBND thành phố chấp thuận chủ trương cho phép chủ đầu tư thực hiện tạm ứng, triển khai thực hiện hợp đồng của gói thầu XL-02 (thiết kế - xây dựng - vận hành nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè) với nhà thầu trúng thầu là liên danh Acciona - Vinci ngay đầu tháng 12/2019 này song song với việc chủ đầu tư chịu trách nhiệm tiếp tục chủ động, phối hợp cùng các cơ quan liên quan giải quyết kiến nghị của nhà thầu tham dự thầu.
Thời gian qua do khiếu nại về kết quả trúng thầu, gói thầu XL-02 đang tạm ngưng. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo UBND TP Hồ Chí Minh nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp để giải quyết vụ việc theo đúng quy định pháp luật, tránh phát sinh khiếu nại khiếu kiện quốc tế và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, bảo đảm tiến độ dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Nêu quan điểm về khiếu nại của các nhà thầu đối với gói thầu XL-02, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc lựa chọn nhà thầu đối với dự án Vệ sinh môi trường TP Hồ Chí Minh được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Thế giới (WB). Các nội dung liên quan đến hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu cần căn cứ theo “Hướng dẫn đấu thầu mua sắm hàng hoá, công trình và dịch vụ phi tư vấn” của Ngân hàng Thế giới để xem xét, kiến nghị.
Do thay đổi tư vấn đầu thầu không xuất phát từ phía nhà thầu tham dự và xảy ra khi nhà thầu đã nộp hồ sơ dự thầu nên để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh làm rõ lý do thay đổi đơn vị tư vấn đấu thầu, tác động của việc thay đổi trên đến các nhà thầu tham dự, dẫn chiếu quy định nhà tài trợ về việc này. Đồng thời, đưa ra giải pháp xử lý triệt để không để ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà thầu cũng như tuân thủ quy định pháp luật, quy định của nhà tài trợ, đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm.
Còn theo quan điểm của Bộ Tư pháp, việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thuộc dự án có sử dụng vốn hỗ trợ ODA, vốn vay ưu đãi phát sinh từ điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế giữa Việt Nam với nhà tài trợ thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế và thoả thuận quốc tế. Bộ Tư pháp đề nghị các bên liên quan thực hiện theo đúng quy định của Hiệp định vay đã ký với Ngân hàng Thế giới và pháp luật Việt Nam.
Dự án Vệ sinh môi trường TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2 có tổng vốn đầu tư 524 triệu USD; trong đó vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới là 450 triệu USD. Đối với gói thầu XL-02 (tổng mức đầu tư 307,3 triệu USD), có 7 nhà thầu đạt sơ tuyển; trong đó có liên danh Samsung - Kolon - TSK (gọi tắt là liên danh 1), liên danh Acciona - Vinci (gọi tắt là liên danh 2) tham gia đấu thầu gói thầu XL-02. Liên danh 1 bỏ giá thầu thấp nhất là 222,88 triệu USD nhưng vẫn bị loại vì chủ đầu tư đã chọn liên danh 2 có giá dự thầu 240,64 triệu USD (cao hơn 14,76 triệu USD) liên quan đến vấn đề "xung đột lợi ích" trong đấu thầu.
Từ kết quả này, liên danh 1 cho rằng, việc chủ đầu tư lựa chọn liên danh 2 trong khi liên danh này bỏ giá thầu cao hơn liên danh 1 đã vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu. Liên danh 1 kiến nghị các cơ quan chức năng từ Trung ương đến TP Hồ Chí Minh làm rõ kết quả trao thầu nói trên đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế vì lợi ích của chủ đầu tư và của quốc gia…