Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Bão Noru hình thành trên vùng biển phía Đông Philippines, mạnh cấp siêu bão (cấp 16) trước khi đổ bộ vào Philippines ngày 25/9. Sáng 26/9, bão Noru có cường độ xuống cấp 12, giật cấp 15 và đi vào Biển Đông, trở thành bão số 4 năm 2022.
Ngày 26/9, nhận định về bão số 4, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho rằng, bão di chuyển chủ yếu hướng Tây, với tốc độ từ 20 - 25km/h. Khoảng từ chiều và đêm 27/9, bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Dự báo đây là một trong những cơn mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ (tương đương cơn bão số 6 - Xangsane 9/2006, bão số 9 - Ketsana 10/2009 và bão số 9 - Molave 10/2020).
Đề cập đến cường độ của bão, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lưu ý, bão số 4 đạt cường độ mạnh nhất khi đi qua vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa, cấp 13 - 14, giật cấp 17. Khi vào vùng biển gần bờ, cường độ bão duy trì ở khoảng cấp 13; khi ảnh hưởng đến đất liền ở khoảng cấp 12 - 13, giật trên cấp 14.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã ban hành 33 tin chính thức, 44 tin nhanh bổ sung phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó bão số 4.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và vận hành các hệ thống giám sát vận hành 11 quy trình liên hồ chứa và hệ thống giám sát tài nguyên nước, trong đó với hơn 130 hồ chứa, đập dâng quan trọng trong 11 quy trình được cập nhật hàng giờ và khoảng trên 450 hồ chứa, đập dâng lớn nhỏ đã kết nối và truyền dữ liệu tự động, liên tục tối thiểu 15 phút/lần phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.
Trước nhận định về bão số 4 là cơn bão mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương do Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Lê Văn Thành làm Trưởng ban để trực tiếp chỉ đạo ứng phó.
Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 công điện ứng phó với bão, chỉ đạo các địa phương, nhất là 11 tỉnh, thành phố trọng tâm bão đổ bộ là khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum.
Sáng 27/9, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp trực tuyến ứng phó bão số 4 với 1.251 đầu cầu các cấp tỉnh, huyện, xã của 8 tỉnh, thành phố trọng tâm ảnh hưởng của bão.
Trong các ngày từ 25 - 27/9, Ban Chỉ đạo tiền phương tổ chức 3 đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo ứng phó bão số 4. Đêm 27/ 9, Ban Chỉ đạo tiền phương đã tổ chức làm việc xuyên đêm liên tục theo dõi sát, họp trực tuyến với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố để nắm rõ tình hình tại từng địa phương, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác ứng phó.
Để chỉ đạo công tác ứng phó với bão, các Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã đi kiểm tra công tác ứng phó với bão tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, để chủ động ứng phó với bão số 4 và đảm bảo an toàn cho người dân, tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn bắt đầu từ 9 giờ ngày 27/9 và hoàn thành trước 12 giờ ngày 27/9. Trong đó, ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo trước thời điểm bão vào. Bên cạnh đó, địa phương cũng yêu cầu người dân không được ra đường từ 21 giờ ngày 27/9 đến khi có thông báo mới, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt. Các khu chợ truyền thống tạm ngừng mua bán từ 14 giờ ngày 27/9. Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế có phương án dự trữ cấp tỉnh về lương thực, thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng, chống thiên tai với số lượng gồm 100 tấn mỳ ăn liền, 100 tấn gạo. Ngoài ra, các địa phương tự dự trữ tại cấp huyện, cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo cho 7 ngày khi có thiên tai xảy ra.
Tỉnh Quảng Ngãi lên kế hoạch di dời trên 75.000 người đến nơi an toàn; đây là giải pháp ứng phó khẩn cấp với diễn biến phức tạp của bão nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân...
Theo Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4, chưa đầy 2 ngày trước khi bão đổ bộ, các địa phương và các lực lượng kêu gọi, hướng dẫn 57.840 tàu, thuyền/299.678 người di chuyển tránh trú và neo đậu an toàn. Trong ngày 27/9/2022, các địa phương đã tổ chức sơ tán hơn 108.441 hộ dân/340.863 nhân khẩu đến nơi an toàn; vận động, tuyên truyền và di dời người dân tại 20.712 ha và 4.571 lồng, bè nuôi trồng thủy sản lên bờ, đảm bảo an toàn, không để xảy ra rủi ro khi bão đổ bộ. Cùng với đó, các địa phương đã tập trung gia cố bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, công trình hạ tầng; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa…; hạn chế giao thông khi bão đổ bộ.
Chủ động và quyết liệt
Tính đến 10 giờ ngày 28/9, bão số 4 làm 5 người bị thương (tại Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế); 3 nhà sập (Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế), hư hỏng, tốc mái 157 nhà (lớn nhất ở Quảng Trị 118 nhà); 9.427 trạm biến áp bị sự cố mất điện (Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi), hiện đã khắc phục 535 trạm biến áp tại Quảng Nam, Đà Nẵng; đã có 15 xã bị mất điện (trong đó: Kon Tum 9 xã, Gia Lai 6 xã).
Ngoài ra, bão số 4 còn làm đổ 1 trụ anten Trung tâm truyền thông thành phố Hội An (Quảng Nam); hư hỏng 2 đồn biên phòng (Quảng Nam); gãy đổ trên 500 cây xanh tại địa bàn các tỉnh, thành phố Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai; chìm 3 ghe nhỏ (Đà Nẵng, Quảng Nam)… Trong cơn bão này không có thiệt hại về người và những thiệt hại do bão gây ra là không lớn. Hiện các địa phương vẫn đang tiếp tục thống kê thiệt hại.
Tại cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại và rút kinh nghiệm công tác ứng phó với bão số 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương, khen ngợi, các tỉnh, thành phố, cơ quan khí tượng thủy văn, lực lượng công an, quân đội, báo chí… đã chủ động vào cuộc tích cực, quyết liệt trong phòng, chống bão số 4, nhờ đó giảm thiểu mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân. Đồng thời, Thủ tướng bày tỏ sự chia sẻ với những người bị thương và các gia đình bị thiệt hại về tài sản.
Đánh giá kết quả ứng phó bão số 4 là khả quan và tích cực, Thủ tướng nhấn mạnh bài học kinh nghiệm về sự quyết liệt, nhất quán trong vận động, tổ chức di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm, đây là yếu tố quyết định để không bị thiệt hại về người. Nắm chắc diễn biến, bám sát tình hình, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp để phòng, chống bão nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Các địa phương xây dựng kịch bản, phương án phù hợp tình hình và khi xảy ra tình huống, vận hành các kịch bản, phương án theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chủ động, tích cực, bám sát tình tình từ sớm, từ xa, từ cơ sở; thông tin, hướng dẫn kịp thời, thông suốt, toàn diện, đầy đủ tới người dân, các cấp ủy, chính quyền và doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, theo quy luật tự nhiên, miền Trung là nơi thường xuyên có mưa lũ, bão gió vào tháng 9, 10, 11; phải luôn đề cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan, cũng không lo sợ, hoang mang, hốt hoảng, mất bình tĩnh; phải ứng phó thiên tai, với sự bản lĩnh, bình tĩnh, tự tin, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, với nội lực, kinh nghiệm, hiểu biết của mình, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và các cấp chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tham gia của người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ của cả nước với tinh thần đoàn kết, thống nhất, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.
Đề cập đến những công việc trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương cần khẩn trương đánh giá thiệt hại, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, nhanh chóng ổn định đời sống vật chất và tinh thần của người dân, kịp thời động viên, thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, tạo điều kiện cho học sinh sớm trở lại trường ngay trong ngày 29/9; tuyệt đối không để dân đói, dân rét, không có chỗ ở, không để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường sau bão, lũ. Các địa phương thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại, gửi ngay về Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, các địa phương sử dụng quỹ phòng, chống thiên tai, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để chủ động xử lý, khắc phục các thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân. Bộ Tài chính chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ về gạo và kinh phí cho các địa phương.
Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ các địa phương, khẩn trương khắc phục sạt lở tại các tuyến giao thông trọng yếu, bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn. Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên khẩn trương khôi phục hệ thống truyền tải điện. Các công ty cấp thoát nước, môi trường, cây xanh nhanh chóng khắc phục các hậu quả. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành theo sát tình hình, dự báo kịp thời các diễn biến thời tiết, thiên tai, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần sẵn sàng hơn, chủ động hơn, phòng hơn chống...