Để tiếp tục ứng phó với mưa lũ trong thời gian tới và khắc phục hậu quả bão số 5, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp ứng phó với hoàn lưu bão và khắc phục hậu quả thiên tai bão số 5 sáng 31/10.
Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương báo cáo tình hình thiệt hại và có giải pháp ổn định đời sống nhân dân, đồng thời, đề xuất phương án hỗ trợ (giống, cơ sở hạ tầng...) để Trung ương xem xét, hỗ trợ; bên cạnh đó, kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại bởi bão số 5.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, kiểm soát, vận hành an toàn hồ chứa, đảm bảo an toàn cho sản xuất và hạ du. Đồng thời, các địa phương cập nhật thông tin, hình ảnh các hồ chứa thủy điện hàng ngày để có phương án điều tiết phù hợp. Bộ phận trực ban tổng hợp, báo cáo đầy đủ, sát diễn biến tình hình của 11 lưu vực sông, trong đó chú ý các lưu vực sông được cảnh báo nguy hiểm.
Vụ Quản lý thiên tai cộng đồng, Tổng cục Phòng chống thiên phối hợp với các cơ quan báo chí phục vụ công tác tuyên truyền kịp thời về tình hình ứng phó với mưa lũ và khắc phục hậu quả bão số 5.
Ông Lê Văn Khoa, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung cho biết: Tính đến 8 giờ ngày 1/11, việc sơ tán dân đến nơi ở an toàn tại các tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Định đã được thực hiện xong. Sự cố mất điện tại các huyện, xã thuộc các tỉnh trên đã và đang được khắc phục.
Đại diện Chi cục phòng chống thiên tai khu vực miền Nam cho biết đã chỉ đạo các địa phương khắc phục hậu quả mưa bão, đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc để theo dõi diễn biến mưa lũ và triển khai các biện pháp ứng phó.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 8 giờ ngày 1/11, bão số 5 và hoàn lưu sau bão đã làm một người mất tích, 14 người bị thương (Quảng Ngãi), 2.114 nhà hư hỏng, 200 nhà bị ngập; ba tàu vận tải bị mắc cạn (Bình Định) trong đó hai tàu đã được lai kéo, một tàu đang tiếp tục lai kéo; 79 tàu, thuyền khai thác thủy sản bị hư hỏng.
Về nông nghiệp, 218 ha lúa bị thiệt hại (Phú Yên); 5.303 ha hoa màu bị thiệt hại, 72 ha nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, thiệt hại; 23.172 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Tại Bình Định, 2.000 m kè biển bị sạt lở, 200 m kè biển Nhơn Hải bị hư hỏng nặng, tuyến đê Đông sạt mái hạ lưu 127 m, 1 tràn bị trôi. Hai tỉnh Bình Định, Phú Yên có 6.807 m kênh mương bị hư hỏng. Mưa bão đã gây sạt lở ở các địa phương các tỉnh: Phú Yên, Bình Định Quảng Ngãi, Khánh Hòa....
Nhiều địa phương thuộc các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên bị sự cố và mất điện. Đến 7 giờ ngày 1/11, tỉnh Phú Yên đã khắc phục được 85%, còn 9 xã dự kiến trong ngày sẽ khắc phục xong. Tỉnh Bình Định đã khắc phục được hơn 60%. Tỉnh Quảng Ngãi khắc phục được 90.). Tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, tổng số có 35 điểm trường học bị hư hỏng.
Lúc 11 giờ 30 ngày 31/10, tàu Thành Công 999 trở 5.000 tấn đá từ Thanh Hóa đi Hà Tĩnh bị chìm tại khu vực biển Hà Tĩnh (đăng ký xuất bến tại Nghi Sơn - Thanh Hóa gồm 12 người). Đến 19 giờ 30 phút ngày 31/10, tàu cảnh sát biển 3005 đã cứu vớt được 12 người (trong đó một người không nằm trong danh sách xuất bến). Hiện các thuyền viên báo còn một người mất tích là Nguyễn Thành Định (sinh năm 1997, quê Nam Định) có tên trong danh sách xuất bến.