Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao những kết quả đã đạt được của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong thời gian qua, nhấn mạnh đây là những công việc được thực hiện rất khẩn trương, trong điều kiện khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã kịp thời cử lực lượng cứu hộ đến hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong trận động đất vừa qua, để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế về tính chuyên nghiệp, sự sáng tạo, tinh thần trách nhiệm và năng lực của các lực lượng cứu hộ của Việt Nam.
Nhấn mạnh, trong điều kiện các hoạt động kinh tế ngày càng gia tăng, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường và nhanh hơn dự báo, trang thiết bị còn khiêm tốn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, nhiệm vụ của các lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ ngày càng nặng nề hơn, đòi hỏi lực lượng làm công tác này phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt trọng trách được giao.
Phó Thủ tướng gợi ý, cần nghiên cứu cơ chế phối hợp nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; chuẩn bị thật tốt các dự án đầu tư trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy để kịp thời tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất và trang thiết bị.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải ưu tiên nguồn lực đầu tư cho việc sản xuất trang thiết bị để trang bị tốt nhất có thể cho các lực lượng làm công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, an toàn hơn.
Về công tác tuyên truyền, Cục C07 cần tăng cường tuyên truyền vào "giờ vàng", với tần suất cao hơn, bằng những nội dung thông tin xúc động nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng cháy, chữa cháy.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành, ủng hộ các lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoàn thành tốt trọng trách hết sức đặc biệt liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân, trong đó tính mạng của con người là vô giá - Phó Thủ tướng khẳng định.
Thông tin từ Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ cho thấy, những năm gần đây, bình quân mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 2.000 vụ cháy, gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 500 tỷ đồng, làm 90 người chết và 120 người bị thương. Cùng với đó, bình quân mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 3.000 đến 4.000 vụ sự cố liên quan đến cháy. Trong hàng ngàn vụ cháy mỗi năm, có khoảng 30 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng và thiệt hại về tài sản do các vụ cháy lớn này gây ra, chiếm tới trên 70% tổng thiệt hại.
Trong quý I năm nay, cả nước xảy ra 409 vụ cháy, làm chết 19 người, bị thương 11 người, thiệt hại về tài sản ước tính sơ bộ thành tiền hơn 22 tỷ đồng. Ngoài ra là 1.311 vụ về sự cố cháy. So với cùng kỳ năm trước, tình hình cháy giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, cũng như thiệt hại về tài sản.
Cũng theo Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, trung bình mỗi năm lực lượng đã trực tiếp tổ chức 3.000 vụ cứu nạn, cứu hộ; trực tiếp cứu được trên 1.000 người, tổ chức hướng dẫn thoát nạn cho hàng nghìn người khỏi các vụ cháy, sự cố, tai nạn; tìm kiếm được 500 thi thể người bị nạn trong các vụ tai nạn, sự cố. Trong quý I năm 2023, lực lượng đã trực tiếp tham gia 212 vụ cứu nạn, cứu hộ. Tổ chức cứu được 116 người; tìm kiếm được 127 thi thể, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.
Theo đánh giá của Cục C07, bên cạnh những kết quả nổi bật trên, hiện nay, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ còn một số khó khăn, bất cập. Nổi lên là nhận thức, ý thức của một bộ phận người dân chưa cao; vẫn còn tình trạng một số chủ đầu tư không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng, tự ý đưa công trình vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Bên cạnh đó, hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chưa được đầu tư phát triển đúng tầm. Tốc độ đô thị hóa nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng, giao thông còn nhiều bất cập, nhiều công trình cũ, xuống cấp vẫn còn tồn tại dẫn đến nhiều nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn. Mạng lưới đường sá nội đô nhỏ hẹp, bị cản trở, nhiều ngõ ngách sâu ảnh hưởng đến quá trình di chuyển cơ động của các loại phương tiện tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có vụ việc xảy ra.
Theo Cục C07, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tập trung hoàn thành quy chuẩn an toàn cháy đối với nhà ở riêng lẻ, các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar…, cơ sở chuyển đổi công năng sử dụng như từ nhà ở riêng lẻ sang hoạt động kinh doanh, dịch vụ.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Hướng dẫn lực lượng ở cơ sở, chuyên ngành và dân phòng triển khai thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở, địa bàn.
Bên cạnh đó, lực lượng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, thanh tra, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy, xử lý dứt điểm các công trình vi phạm quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, các cơ sở không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001 có hiệu lực. Điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ cháy, nổ, khởi tố, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự các trường hợp vi phạm nghiêm trọng.