Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp Phiên toàn thể lần thứ 11. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương
Theo Đề án của Chính phủ, huyện Cát Tiên nằm ở phía Nam tỉnh Lâm Đồng có 11 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 1 thị trấn và 10 xã). Xã Phước Cát 1 là xã miền núi nằm ở phía Tây Nam của huyện Cát Tiên, là điểm giáp của ba tỉnh: Lâm Đồng, Bình Phước và Đồng Nai, có diện tích tự nhiên 16,97km2, dân số 7.204 người (tính đến 31/12/2016). Xã Phước Cát 1 có vị trí địa lý thuận lợi và nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế- xã hội. Thời gian qua, xã Phước Cát 1 đã có sự phát triển khá toàn diện, quá trình đô thị hóa trên địa bàn diễn ra với tốc độ cao.
Các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành sự cần thiết thành lập thị trấn Phước Cát được nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ nhằm tạo tiền đề, cơ sở pháp lý cho địa phương phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân và chính quyền địa phương.
Các đại biểu cho rằng, việc thành lập thị trấn Phước Cát đạt các tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, phân loại đô thị, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế- xã hội. Đối chiếu với các quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, việc thành lập thị trấn Phước Cát thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, phù hợp với Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Quy hoạch chung xây dựng đô thị Phước Cát đến năm 2020 của tỉnh Lâm Đồng; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, phát huy vai trò là đô thị cửa ngõ của huyện Cát Tiên, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Xã Phước Cát 1 dự kiến được nâng cấp thành thị trấn Phước Cát đã được công nhận là đô thị loại V, đã đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn thành lập thị trấn được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc thành lập thị trấn Phước Cát không tăng đơn vị hành chính, về cơ bản không tăng biên chế, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động ở địa phương.
Các thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan trình Đề án và các cơ quan hữu quan bổ sung, hoàn thiện hồ sơ Đề án trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Phát huy chức năng đô thị trung tâm, dịch vụ cảng, đầu mối giao thông
Các thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với việc thành lập thị xã Phú Mỹ và 5 phường: Phú Mỹ, Hắc Dịch, Mỹ Xuân, Phước Hòa và Tân Phước thuộc thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, như Tờ trình và Đề án của Chính phủ. Việc thành lập thị trấn Phú Mỹ trên cơ sở nguyên trạng huyện Tân Thành và các phường trên cơ sở nguyên trạng các xã thuộc huyện Tân Thành tạo sơ sở pháp lý, tiền đề cho địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn, phát huy mạnh mẽ chức năng đô thị trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng, đầu mối giao thông, giao lưu trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Các đại biểu nhận định việc thành lập thị trấn Phú Mỹ đạt 4/4 tiêu chuẩn về quy mô dân số, số đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện, công nhận đô thị, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội; việc thành lập các phường thuộc thị trấn Phú Mỹ đều đạt 3/3 tiêu chuẩn theo quy định. Việc thành lập thị xã Phú Mỹ và các phường thuộc thị xã là cần thiết, phù hợp với quy hoạch chung, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã được đô thị hóa, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Thị xã Phú Mỹ và các phường thuộc thị xã đã đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện tại Nghị quyết số 1211 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, các thành viên Ủy ban Pháp luật kiến nghị Tờ trình, Đề án của Chính phủ cần giải trình bổ sung, làm rõ hơn về tên gọi để tránh phát sinh tốn kém trong việc thay đổi biển hiệu con dấu và các loại giấy tờ khác của tổ chức, cá nhân sinh sống trên địa bàn; làm rõ hơn những tác động tiêu cực khi thành lập thị xã, đặc biệt là những tác động về môi trường. Theo báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ, việc thành lập thị xã Phú Mỹ và các phường thuộc thị xã có những tác động tích cực về phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng, tuy nhiên cũng có những tác động tiêu cực, đặc biệt về ô nhiễm môi trường do tốc độ đô thị hóa cao.
Liên quan đến tổ chức bộ máy và cán bộ công chức, việc thành lập phường và thị xã sẽ phát sinh thêm tổ chức công an xã. Vì vậy, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương có phương án sắp xếp, bố trí công an phường trong số lực lượng sẵn có trên địa bàn để không tăng biên chế, bảo đảm chất lượng. Chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có phương án sắp xếp, sáp nhập để giảm số lượng thôn, tổ dân phố, những người đảm nhiệm không chuyên trách trên địa bàn phường và thành phố theo chủ trương đã được xác định trong Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của thành phố.Việc thành lập thị xã và 5 phường không làm tăng đơn vị hành chính sẽ tạo cơ sở pháp lý để góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại địa phương.
Ngày mai (6/4), Ủy ban Pháp luật thẩm tra đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.