Năm 2023 đề xuất giám sát 5 chuyên đề lớn
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, đối với giám sát chuyên đề, trên cơ sở kết quả lựa chọn của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và các Ban, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp và xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực.
Theo đó, năm 2023, Quốc hội giám sát 2 chuyên đề và UBTVQH giám sát 2 chuyên đề, được lựa chọn trong số 5 chuyên đề cụ thể như sau:
Chuyên đề 1 về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Chuyên đề 2 về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030).
Chuyên đề 3 về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Chuyên đề 4 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn năng lượng tái tạo.
Chuyên đề 5 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2015 - 2020.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề nghị UBTVQH lựa chọn 4 trong số 5 chuyên đề theo Phiếu xin ý kiến.
Với 4 chuyên đề được lựa chọn, UBTVQH sẽ trình Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao (2 chuyên đề còn lại giao UBTVQH giám sát và báo cáo Quốc hội).
Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, về cơ bản, các ý kiến nhất trí với dự kiến nội dung chương trình. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cân nhắc bổ sung, điều chỉnh thời gian UBTVQH xem xét một số nội dung về: Tài chính, quyết toán ngân sách nhà nước, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
Đồng thời, để phục vụ cho hoạt động giám sát lại tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) đạt hiệu quả, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến tham mưu Quốc hội, UBTVQH giao Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, căn cứ lĩnh vực phụ trách, chủ động tổ chức hoạt động giám sát, khảo sát phục vụ việc xây dựng báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và chất vấn của Quốc hội và UBTVQH; báo cáo UBTVQH xem xét tại phiên họp tháng 9/2023 trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Về các chuyên đề giám sát
Căn cứ vào tiêu chí lựa chọn cũng như qua nghiên cứu kiến nghị của cử tri, điểm báo, qua rà soát các nội dung đã thực hiện và cân đối các lĩnh vực, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến, đề xuất 6 chuyên đề để xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban của UBTVQH.
Đối với các chuyên đề được nhiều cơ quan đề xuất nhưng chưa được lựa chọn, Tổng Thư ký Quốc hội đã giải trình như sau: Về các đề xuất liên quan việc triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ (11 ý kiến): Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất (tháng 1/2022).
Theo đó, việc triển khai thực hiện Nghị quyết này sẽ được Chính phủ báo cáo và các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra, Kiểm toán nhà nước tổ chức kiểm toán để báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp cuối năm 2022 và 2023, báo cáo tổng kết tại kỳ họp giữa năm 2024. Nếu tổ chức giám sát chuyên đề này sẽ có nhiều nội dung, hoạt động trùng lắp với cách thức tiến hành thẩm tra, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết; bên cạnh đó, trong quá trình tổng kết Nghị quyết về nội dung này sẽ có sự tham gia phối hợp của Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra việc thực hiện hàng năm.
Về các đề xuất liên quan đến môi trường, khai thác khoáng sản, xử lý chất thải tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất… (10 ý kiến) và liên quan đến đất đai (9 ý kiến): Tại phiên họp tháng 9 vừa qua, UBTVQH đã tổ chức phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về cả 2 nhóm vấn đề nêu trên và đã ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp này, trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo việc thực hiện Nghị quyết tại phiên họp tháng 9 hằng năm của UBTVQH.
Đối với vấn đề về đất đai, hiện nay, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được điều chỉnh trình Quốc hội cho ý kiến từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4 và xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6). Trong quá trình thẩm tra và hoàn thiện dự án Luật, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội sẽ tham gia để phối hợp lựa chọn các vấn đề chuyên sâu, trọng tâm, trọng điểm để giám sát, khảo sát.
Đối với vấn đề về môi trường, năm 2019, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tiến hành giám sát chuyên đề về “Việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đối với khu công nghiệp, khu chế xuất và cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao” và năm 2021, đã tiến hành giám sát lại việc thực hiện các kiến nghị liên quan đến chuyên đề này. Hơn nữa, Luật Bảo vệ môi trường mới được ban hành năm 2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, do đó cần có thời gian để các cơ quan triển khai thực hiện.
Đối với các đề xuất còn lại, căn cứ tình hình thực tiễn, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tham mưu theo hướng đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội xem xét, tiến hành giám sát hoặc tổ chức các phiên giải trình cho phù hợp.
Về tổng hợp kết quả lựa chọn chuyên đề giám sát của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và các Ban, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp việc lựa chọn chuyên đề giám sát theo thứ tự từ cao xuống thấp. Có ý kiến đề nghị bổ sung chuyên đề giám sát về tổng rà soát công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ giai đoạn 2011 đến nay vì tham nhũng đang ngày càng diễn biến phức tạp, có quy mô lũng đoạn nhà nước; sự trì trệ trong quản lý điều hành ở không ít nơi; chất lượng xây dựng và ban hành thể chế đều bắt nguồn từ chất lượng nhân sự của bộ máy.
Tổng Thư ký Quốc hội nhận thấy, việc lựa chọn các chuyên đề giám sát được thực hiện theo quy trình chặt chẽ được quy định tại Quy chế hoạt động giám sát của Quốc hội và phù hợp với đa số đề xuất của các cơ quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội. Căn cứ kết quả lựa chọn của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và các Ban cho thấy, các chuyên đề được lựa chọn đã cơ bản bảo đảm hài hòa giữa các lĩnh vực và khả năng thực tế của các cơ quan.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, chuyên đề đề nghị bổ sung là vấn đề được cử tri và dư luận xã hội quan tâm; căn cứ tình hình thực tiễn, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ đề xuất đưa vào các phiên chất vấn và trả lời chất vấn hoặc Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH vào thời điểm thích hợp.
Có ý kiến đề nghị chỉnh lý tên của chuyên đề về nguồn nhân lực và đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng theo hướng toàn diện, đánh giá bao quát thực trạng và đề xuất cơ chế, chế độ, chính sách nhằm duy trì và phát triển nguồn nhân lực y tế, tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Theo đó, tên Chuyên đề sẽ được điều chỉnh như sau: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm nguồn nhân lực và đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, chuyên đề giám sát về năng lượng hay điện lực thì cần cân nhắc phạm vi, cụ thể thời gian.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, có ý kiến đề xuất giám sát về đầu tư công, nhưng vừa rồi đã sửa đổi Luật Đầu tư công nên giám sát sẽ không có gì nổi cộm. Sang năm 2024, Quốc hội dự kiến sẽ giám sát đường cao tốc, các dự án trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành... Đây là những vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống dân sinh, nhất là năm nay Trung ương chuẩn bị thông qua Nghị quyết về tam nông...