Đặc biệt, những phân tích trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bao hàm những giá trị xuyên suốt của tư tưởng Hồ Chí Minh - một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
Theo ông Denis Rondepierre, Đảng Cộng sản Pháp hoàn toàn chia sẻ quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về hệ thống tư bản hiện đại và các cuộc khủng hoảng của nó. Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Fabien Roussel cũng đã nêu bật suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra đã khoét sâu thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội và làm nổi bật khiếm khuyết của hệ thống tư bản, cả trong cách tổ chức đời sống kinh tế cũng như trong dịch vụ công. Chính những tầng lớp dân cư nghèo nhất lại là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ các chính sách tự do mới này, cùng với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Ông Denis Rondepierre cũng cho rằng mô hình tư bản chủ nghĩa và chủ trương tài chính hóa mọi thứ đang tạo ra một môi trường quốc tế với nhiều mối đe dọa như khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy thoái môi trường. Chủ nghĩa tư bản lại không có khả năng giải quyết được những thách thức do những cuộc khủng hoảng mà chính hệ thống này tạo ra và đó là hệ quả của một quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó lợi nhuận được coi là mục tiêu tối thượng.
Ông Denis Rondepierre nêu bật quan điểm tương đồng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp về việc lựa chọn các mô hình phát triển đảm bảo lợi ích cho tất cả mọi người, giải phóng xã hội và con người, theo đó xã hội cần phát triển để phục vụ con người, chứ không phải là một xã hội chỉ theo đuổi lợi nhuận và bóc lột, làm phương hại đến phẩm giá con người. Phát triển kinh tế chân chính phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta cần một xã hội nhân văn và đoàn kết chứ không phải một xã hội bị sự cạnh tranh chi phối theo kiểu áp đặt luật pháp của kẻ mạnh và sự thống trị của một thiểu số người giàu đối với phần còn lại của thế giới." Theo ông, các nước cần phải nhìn nhận lại các mối quan hệ quốc tế và toàn cầu hóa theo hướng này. Đó là các mối quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện chứ không phải là sự cạnh tranh giữa các dân tộc. Ông nếu rõ: “Chúng ta đang ở trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau và con đường dẫn đến sự tiến bộ chỉ có thể là đi cùng nhau. Sẽ không có quốc gia nào có thể thành công nếu làm điều đó một mình. Chúng ta cần có sự đối thoại, triển khai các dự án chung mà các tổ chức quốc tế lớn như Liên hợp quốc và các cơ quan của tổ chức này có thể thực hiện được”.
Đánh giá về công cuộc Đổi mới và thành quả của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, ông Denis Rondepierre khẳng định những tiến bộ đạt được trong 35 năm Đổi mới của Việt Nam đã cho thấy sự lựa chọn đi theo con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội gắn với thực tế đất nước là cách tiếp cận đúng đắn. Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.512 USD. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình giảm từ 58% năm 1993 xuống còn dưới 3% vào năm 2020. Từ một nước thiếu lương thực triền miên, Việt Nam giờ đây không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn là nước xuất khẩu gạo và nông sản. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên đạt được các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Theo ông Denis Rondepierre, những thành quả trên có được là do Đảng Cộng sản Việt Nam đã huy động được các nguồn lực vô cùng to lớn của nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng chủ nghĩa Marx - Lenin để tìm ra con đường phát triển và hiện đại hóa phù hợp với thực tiễn đất nước. Việc đưa ra khái niệm nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một bước đột phá về lý luận và sáng tạo. Thị trường không phải là mục đích tự thân như ở các nước tư bản, mà là công cụ để mở cửa ra thế giới và phát triển lực lượng sản xuất. Điều đó cho phép Việt Nam thực hiện những nội dung cải cách trong công cuộc Đổi mới.
Về những vấn đề Việt Nam cần lưu ý thời gian tới, ông Rondepierre cho rằng tình hình quốc tế hiện nay vẫn bất định và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Cuộc chạy đua vũ trang đang đặt thế giới trước nhiều hiểm họa, tạo dựng lại các khối đối kháng và đe dọa chủ nghĩa đa phương. Môi trường, an ninh lương thực, an ninh y tế hiện đang là những vấn đề cấp bách, đặc biệt trong đại dịch COVID-19, cũng như các vấn đề an ninh toàn cầu và an ninh các quốc gia. Vì vậy, tất cả các lực lượng tiến bộ trên thế giới cần phải tăng cường hợp tác quốc tế để cùng giải quyết những khó khăn này.