Để thực hiện mục tiêu này, sứ mệnh to lớn của ngoại giao Việt Nam là góp phần “giữ nước sớm, từ xa, từ khi nước còn chưa nguy”, đồng thời linh hoạt, sáng tạo tìm ra phương cách mới thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo mọi điều kiện quốc tế thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao thế và lực cho đất nước.
Trong bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chiến lược của đất nước; uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao”.
Giữ gìn biên giới hòa bình, hữu nghị
Cùng với quốc phòng - an ninh, ngành Ngoại giao đã tham gia tích cực vào công tác phân giới cắm mốc, mở các cửa khẩu mới, quản lý đường biên giới và các hoạt động hợp tác xuyên biên giới, làm cho các đường biên giới trên bộ là đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng.
Nối tiếp thành quả phân định biên giới với Trung Quốc và Lào, ngày 5/10/2019, Việt Nam ký kết hai văn kiện pháp lý với Campuchia ghi nhận hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc cho khoảng 84% tổng chiều dài biên giới hai nước. Đây là kết quả của nỗ lực bền bỉ, không mệt mỏi của hai nước trong nhiều thập niên qua nhằm giải quyết thỏa đáng, công bằng những tồn tại lịch sử phức tạp, hướng đến một đường biên giới hòa bình, ổn định lâu dài, làm cơ sở để hai nước phát triển quan hệ bền vững. Ngày 22/12/2020, Việt Nam - Campuchia đã tổ chức Lễ trao đổi Văn kiện Phê chuẩn “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia” (Hiệp ước bổ sung năm 2019) và “Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia” (Nghị định thư phân giới cắm mốc).
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh sự kiện này ghi dấu một thắng lợi lớn của cả hai nước và có ý nghĩa lịch sử trong tiến trình hơn 36 năm giải quyết biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, thể hiện phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận. Báo Khmer Times số ra ngày 23/12 dẫn lời Phó Chủ tịch Ủy ban Biên giới Quốc gia Campuchia (CBAC) Koy Pisey nhận định hai nước đã chạm tới “thời khắc lịch sử” khi chính thức trao đổi hai Văn kiện trên.
Công tác quản lý biên giới tiếp tục được chú trọng để duy trì trật tự trị an ở biên cương của Tổ quốc. Các lực lượng chức năng Việt Nam đã chủ động phối hợp với các nước láng giềng triển khai công tác quản lý biên giới theo đúng các văn kiện pháp lý và thỏa thuận liên quan.
Bên cạnh công tác quản lý, bảo vệ đường biên giới trên bộ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế khu vực biên giới. Các công tác, như mở, nâng cấp cửa khẩu, lối thông quan; thúc đẩy triển khai Hiệp định bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc và Hiệp định tàu thuyền đi lại tự do tại khu vực cửa sông Bắc Luân; xây dựng các công trình hạ tầng giao thông khu vực biên giới nhằm tạo thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế, xã hội... đều được triển khai mạnh và hiệu quả. Thực tế cho thấy, phân giới, cắm mốc tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác phát triển, đồng thời hợp tác phát triển tốt với các nước láng giềng trên các khu vực biên giới không chỉ giúp nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư địa phương, mà còn là cơ sở để bảo vệ vững chắc và quản lý hiệu quả các đường biên giới hiện có.
Tôn trọng luật pháp quốc tế, kiên trì hòa bình ở Biển Đông
Thực hiện định hướng chỉ đạo của Đại hội XII: “Thúc đẩy giải quyết các vấn đề trên biển trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và quy tắc ứng xử của khu vực”, công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển.
Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), các nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế theo Hiến chương Liên hợp quốc cũng như các nguyên tắc hoạt động của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng chủ trương kiên quyết, kiên trì đấu tranh trên các vấn đề liên quan đến Biển Đông tiếp tục là cơ sở thực tiễn và pháp lý trong quá trình đấu tranh giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển. Các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông tiếp tục được củng cố, giữ vững. Tất cả các hoạt động xâm lấn, vi phạm của nước ngoài, dù phức tạp về quy mô và cường độ hay kéo dài cũng đều bị đẩy lùi; trong khi quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng vẫn được bảo đảm.
Cuối tháng 3/2020, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã gửi công hàm phản đối hai công hàm của Trung Quốc khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định đây là “một việc làm bình thường, thể hiện lập trường và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam”. Còn chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc tế Grigory Trofimchuk (Nga) cho rằng: "Biển Đông không chỉ là vấn đề trong quan hệ Việt-Trung, vấn đề của các nước Đông Nam Á, mà còn là một trong những vấn đề quan trọng đối với Liên hợp quốc".
Bên cạnh việc đấu tranh ngoại giao và trên thực địa, Việt Nam đã có những đóng góp rất tích cực, trách nhiệm cao để thúc đẩy việc đàm phán giữa ASEAN với Trung Quốc về xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã thúc đẩy tinh thần đoàn kết trong khối, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN, thể hiện nhất quán lập trường nguyên tắc và cam kết mạnh mẽ xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình và ổn định, nơi mà khác biệt và tranh chấp phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế. Các nước ASEAN nhất trí cần nỗ lực tạo dựng môi trường thuận lợi cho đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin, bảo đảm đàm phán COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Hoạt động đối ngoại nhiệm kỳ qua đã góp phần quan trọng bảo vệ biên giới, lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Bài 4 - Huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước