Chắc nhiều người hẳn vẫn còn nhớ việc Bộ Xây dựng có Công văn 942/BXD-KTQH gửi các tỉnh, thành phố không xây dựng các công trình nhại kiến trúc cổ điển kiểu Pháp - châu Âu, đặc biệt là các công trình sử dụng vốn ngân sách. Ngay lập tức công văn trên đã gặp sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận, buộc bộ này phải có văn bản sửa sai.
Cách đây không lâu, Bộ GD&ĐT cũng gây “sốc” với quy định: Người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi phải có trách nhiệm gửi cho nơi tiếp nhận theo quy định, không được phát tán thông tin cho người khác dưới bất kỳ hình thức nào…
Còn rất nhiều văn bản có những quy định “trên trời”, như việc thịt sống chỉ được bán trong 8 giờ kể từ khi giết mổ; quy định tang lễ cán bộ, công chức, viên chức chỉ có 7 vòng hoa, không thiết kế ô kính trên nắp quan tài, không rắc và đốt vàng mã… Nhiều người nhận xét, đó là những quy định trái khoáy, vô cảm. Có văn bản ngay từ đầu đã lộ rõ sự bất cập nhưng vẫn thực hiện; có văn bản gặp sự phản ứng gay gắt, sự phản biện xã hội mạnh mẽ, sau đó buộc phải hủy.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong 6 tháng đầu năm 2013, qua kiểm tra 251.002 văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành, địa phương, bộ này đã phát hiện 3.960 văn bản chưa đảm bảo tính hợp pháp, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về nội dung và thẩm quyền ban hành.
Điều mà dư luận băn khoăn, rất dễ để thống kê những văn bản vi phạm, nhưng lại rất khó tìm thấy ra một cơ quan, đơn vị hay một công chức bị xử lý, mặc dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rõ thẩm quyền ban hành cũng như những yêu cầu khi một văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Bên cạnh đó, Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước, Luật Cán bộ, công chức rồi cả Bộ luật Hình sự cũng đã đề cập vấn đề xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật, hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhưng cho đến nay, chưa có ai bị xử lý hoặc bồi thường thiệt hại một cách nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật về hành vi tham mưu sai, ban hành văn bản pháp luật sai. Có lẽ vì thế mà năm nào cũng có hàng loạt văn bản có dấu hiệu trái pháp luật được ban hành, làm giảm sút lòng tin của dân vào cơ quan quản lý nhà nước. Dạng văn bản kiểu như vậy đã gây phản ứng tiêu cực trong đời sống xã hội, gây lãng phí tiền của của Nhà nước, của nhân dân, gây ảnh hưởng tới ý thức tuân thủ và thực hiện pháp luật của người dân.
Qua việc hàng loạt văn bản pháp luật thiếu khả thi, không phù hợp với thực tế cuộc sống được ban hành thời gian qua, đã cho thấy việc thực hiện không nghiêm các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó là sự yếu kém của đội ngũ công chức làm công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; là sự dễ dãi, hời hợt của cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói trên.
Nhiều ý kiến đề xuất, muốn ngăn chặn tình trạng ban hành các văn bản “trên trời”, thì ngay từ khâu soạn thảo phải minh bạch; phải quy rõ trách nhiệm của công chức tham mưu, thẩm định, thẩm tra, thông qua văn bản, tùy theo tính chất, mức độ sai phạm. Nếu công chức có vi phạm trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị đề nghị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, cũng cần quy định rõ trách nhiệm của công chức không tổ chức kiểm tra, xử lý các văn bản thuộc thẩm quyền kiểm tra, xử lý; không báo cáo khi phát hiện văn bản có dấu hiệu sai phạm.
Đã đến lúc phải chấm dứt việc ngồi “trên trời" ra chính sách rồi lại đuổi theo để sửa, mà cơ quan, người ban hành văn bản vẫn vô can. Việc cần thiết hiện nay là phải luật hóa trách nhiệm của cơ quan, người ban hành văn bản, tránh tình trạng chỉ rút kinh nghiệm hoặc phê bình, nhắc nhở chung chung.
Yến Nhi