Tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Phi Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học đo đạc và Bản đồ, đã ôn lại chặng đường 30 năm xây dựng, phấn đấu, trưởng thành của Viện; khẳng định đây là một chặng đường đầy vẻ vang, nhưng cũng đầy thử thách đối với các thế hệ cán bộ lãnh đạo, các nhà khoa học, viên chức, người lao động dưới mái nhà chung.
Trên chặng đường 30 năm ấy, mục tiêu lớn nhất của Viện là xây dựng tiềm lực phục vụ nghiên cứu, từ nguồn lực con người, đến công nghệ, máy móc phương tiện đo đạc, hình thành các đơn vị nghiên cứu khoa học đầu tiên, định hướng các phương hướng hoạt động khoa học, nhận thức các mối quan hệ giữa nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, giữa Trắc địa - Bản đồ, Địa chính trong chức năng nhiệm vụ của ngành, giữa nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn lực.
Phát biểu tại lễ Kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, khẳng định: Từ Viện Khoa học và Công nghệ Địa chính, trực thuộc Tổng cục Địa chính, được thành lập cách đây tròn 30 năm, vào ngày 9/7/1994; trải qua 30 năm, bằng tâm huyết, trí tuệ, niềm say mê khoa học và tinh thần trách nhiệm cao đối với ngành, đất nước; các thế hệ lãnh đạo, cán bộ đã tiếp nối xây dựng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ trở thành một đơn vị nghiên cứu hàng đầu về đo đạc bản đồ.
Lao động trí tuệ, tâm huyết của các thế hệ các nhà khoa học của Viện qua các thời kỳ đã mang lại cho lĩnh vực đo đạc, bản đồ những tài sản quý giá, kho báu đồ sộ, với hàng trăm công trình khoa học, bài nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước; trong đó, đã có công trình được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và nhiều giải thưởng cao quý khác. Đây là nguồn tri thức căn bản, luận cứ, luận chứng khoa học vững chắc, sắc bén, hỗ trợ tốt cho công tác quản lý nhà nước của Bộ, của Ngành.
Lễ kỷ niệm ngày hôm nay là dịp để cùng nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển của Viện, ghi nhận và tự hào về những thành tựu to lớn mà các thế hệ cán bộ, nhà khoa học của Viện đã đạt được. Trong đó, đặc biệt ghi dấu ấn với những thành tựu nổi bật như: Đã nghiên cứu thành công công nghệ ảnh số và đưa vào quy trình sản xuất “Thành lập bản đồ địa chính cơ sở của các địa phương”; đưa công nghệ GPS vào xây dựng các mạng lưới tọa độ quốc gia và mạng lưới địa chính cơ sở ở các địa phương;
Nghiên cứu cơ sở dữ liệu trường trọng lực toàn cầu, lưới trắc địa động lực độ chính xác cao, cơ sở dữ liệu thông tin địa lý Việt Nam - Lào - Campuchia, hệ thống bản đồ cơ bản 1:1.000.000 theo tiêu chuẩn quốc tế; Nghiên cứu cơ sở khoa học và phương pháp luận xác định hệ thống mặt chuẩn mực nước biển và nghiên cứu biến động mực nước, phục vụ phát triển bền vững ven biển và biển đảo và ứng phó với biến đổi khí hậu; Tổ chức nghiên cứu sang nhiều lĩnh vực mới như LiDAR, GPS động…
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất ứng dụng công nghệ đo đạc, bản đồ để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai trên nhiều phương diện, như tăng cường vai trò của tổ chức phát triển quỹ đất, hoàn thiện hồ sơ địa chính, xác định quy mô sử dụng đất hợp lý đối với hộ gia đình, nâng cao hiệu quả sử dụng đất ở các doanh nghiệp. Những kiến nghị mang tính thực tiễn cao này đã góp phần tích cực vào quá trình sửa đổi Luật Đất đai sau này.
Đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, Viện cũng đã đi trước đón đầu, nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (GeoAI), GIS, viễn thám, thiết kế, chế tạo thiết bị thu nhận (GNSS, quan trắc tiếng ồn, UAV, USV…) và các phần mềm đi kèm để giám sát hiện trạng tài nguyên đất, nước; nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ UAV, Georadar, LiDAR mobile mapping trong đo đạc và thành lập bản đồ, tổng quát hóa bản đồ. Đáng chú ý là việc hoàn thiện hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia được chú trọng đẩy mạnh, thông qua các nghiên cứu về hệ tọa độ động lực, hệ thống độ cao hiện đại, cơ sở dữ liệu dị thường trọng lực quốc gia.
Các kết quả nghiên cứu của Viện đã góp phần vào việc ban hành các văn bản quy phạm, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế quan trọng, góp phần tạo nền tảng cho việc thống nhất và chuẩn hóa các hoạt động trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, Viện luôn chủ động đón đầu và bắt kịp với xu thế phát triển của khoa học công nghệ cũng như yêu cầu ngày càng cao đối với công tác quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đặc biệt nhấn mạnh, Viện Khoa học đo đạc và Bản đồ ghi dấu ấn quan trọng với việc là đơn vị nghiên cứu khoa học có uy tín, đơn vị duy nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Kỹ thuật trắc địa - bản đồ; đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao về đo đạc bản đồ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các bộ, ngành có liên quan, tập trung vào các mảng trắc địa cao cấp và trắc địa ảnh - viễn thám, bản đồ và GIS.
Theo Bộ trưởng, thực hiện Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định quan điểm: “Phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phục vụ cộng đồng, nâng cao dân trí và hội nhập quốc tế. Phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia làm nền tảng quan trọng và cơ bản, cung cấp dịch vụ dữ liệu không gian địa lý cho các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phục vụ chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh”.
Bởi vậy, thời gian tới, yêu cầu đối với công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu đặt ra ngày càng nặng nề, trong đó, vị trí, vai trò của lĩnh vực đo đạc, bản đồ ngày càng trở nên quan trọng, là công cụ, nền tảng kỹ thuật cơ bản phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, ba nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cũng được Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh xác định, gợi mở đối với Viện Khoa học đo đạc và bản đồ.
Về nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ, hợp tác quốc tế về đo đạc và bản đồ, cần thiết xây dựng chương trình hành động cụ thể để nghiên cứu, chuyển giao, triển khai các công nghệ mới về đo đạc bản đồ và hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia. Trong đó, ưu tiên lựa chọn nghiên cứu một số công nghệ lõi như: điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn trong thu nhận, cập nhật, xử lý và cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc bản đồ và hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia.
Nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại để tham gia xây dựng và hoàn thiện hạ tầng, cơ sở dữ liệu không gian địa lý quốc gia theo phương châm “ĐÚNG, ĐỦ, SẠCH, SỐNG” phục vụ các lĩnh vực của Ngành tài nguyên và môi trường và làm nền tảng quan trọng, cơ bản, cung cấp dịch vụ dữ liệu không gian địa lý cho các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Trong đó, ưu tiên, chú trọng nghiên cứu các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo quốc phòng, an ninh; nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại.
Đồng thời, tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế trong hoạt động đo đạc và bản đồ để thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trao đổi chuyên gia, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong đo đạc bản đồ và hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; mở rộng việc tham gia và ứng cử vào các tổ chức của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, khu vực về đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý.
Về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng cho phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ, nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Kỹ thuật trắc địa - bản đồ, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao về đo đạc bản đồ cho Bộ cũng như các bộ, ngành có liên quan là nhiệm vụ trọng yếu bởi con người là hạt nhân của sự phát triển.
Theo Bộ trưởng, muốn nâng cao chất lượng phải đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy về đo đạc và bản đồ phù hợp với xu hướng phát triển của ngành Đo đạc và Bản đồ. Tăng cường phối hợp, hợp tác với nước ngoài trong việc đào tạo cho các lĩnh vực, chuyên ngành mà Việt Nam chưa có điều kiện đào tạo để phát triển đội ngũ cán bộ đo đạc và bản đồ chuyên sâu, chất lượng cao.
Viện cũng cần tăng cường phối hợp với các trường, cơ sở đào tạo xây dựng chương trình và đào tạo về đo đạc và bản đồ, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn trong thu nhận, cập nhật, xử lý và cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc bản đồ và hạ tầng dữ liệu không gian địa lý. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ tại các bộ, ngành, địa phương; xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành về đo đạc và bản đồ.
Về bảo đảm điều kiện thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Viện, cần tiếp tục làm tốt công tác xây dựng đảng, giáo dục chính trị, tư tưởng; tạo lập môi trường làm việc dân chủ, đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương; thật sự phát huy tự do sáng tạo; trong đó, xác định nghiên cứu khoa học là công việc rất khó, đòi hỏi mỗi người phải hết sức tâm huyết, say mê, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe, học hỏi và tôn trọng lẫn nhau.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, đội ngũ Lãnh đạo Viện cần quan tâm nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đổi mới mạnh mẽ tổ chức và cơ chế hoạt động của Viện; chăm lo xây dựng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc; bảo đảm đời sống của cán bộ, viên chức; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, có chính sách, biện pháp thu hút các nhà khoa học có trình độ cao ở trong và ngoài nước, trọng dụng nhân tài, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khoá XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
“Nhiệm vụ đặt ra cho Ngành TN&MT nói chung và lĩnh vực đo đạc và bản đồ nói riêng rất nặng nề, song tôi tin tưởng, trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, với sự đồng lòng, đoàn kết, trí tuệ, tinh thần đổi mới, sáng tạo và quyết tâm cao của đội ngũ lãnh đạo, cùng toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa cho sự phát triển của ngành cũng như kinh tế - xã hội của đất nước“, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Phi Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học đo đạc và Bản đồ, khẳng định: Bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội và thách thức, Viện Khoa học đo đạc và Bản đồ sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo để nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo. Hướng tới mục tiêu trở thành đơn vị đi đầu trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến, xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia hiện đại, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia. Viện sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút nhân tài để hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh; tăng cường chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu; nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ.