Việt Nam kêu gọi duy trì an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 21/5, tại Hà Nội, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã thông báo về hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới và trả lời các câu hỏi của phóng viên Việt Nam và quốc tế về các vấn đề báo chí quan tâm.


Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: An Đăng - TTXVN


Trả lời câu hỏi về khả năng hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đi đến ký kết trong năm 2015, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: Việt Nam đang sẵn sàng cùng với các nước liên quan tích cực trao đổi nhằm sớm kết thúc tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, theo nguyên tắc bình đẳng, phù hợp với lợi ích chung cũng như tôn trọng lợi ích của các quốc gia thành viên.

Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông và biện pháp bảo vệ ngư dân của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: Hoàng Sa là một phần lãnh thổ không tách rời của Việt Nam. Vùng biển Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam từ bao đời nay. Việt Nam sẽ tăng cường quản lý và giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân Việt Nam tại các vùng biển Việt Nam để giải quyết các vụ việc phát sinh đột xuất trên biển.

Cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo quy mô lớn, thay đổi thực trạng, xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định: Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của các bên ở khu vực này mà không có sự chấp thuận của Việt Nam là bất hợp pháp và vô giá trị.

Tại cuộc họp báo, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cũng cho biết, hiện nay các cơ quan chức năng của Việt Nam đang theo dõi sát sao các hoạt động của các bên trên Biển Đông, trong đó có hoạt động cũng như vị trí của giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc.

Trả lời câu hỏi về việc hãng truyền hình CNN công bố video về việc các máy bay Hoa Kỳ bị tàu hải quân Trung Quốc đuổi nhiều lần ở vùng biển quốc tế trên Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: Khu vực Biển Đông là nơi có tuyến hàng hải và hành lang hàng không quốc tế rất quan trọng. Việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích, nguyện vọng chung của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Vì vậy, Việt Nam kêu gọi các nước liên quan có đóng góp trách nhiệm và tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; đồng thời tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; không làm phức tạp thêm tình hình.

Về việc Indonesia đánh chìm các tàu cá mà Indonesia cho là đánh bắt trên vùng biển của nước này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đề nghị Indonesia cần quan tâm đến mối quan ngại của các nước liên quan, xử lý thỏa đáng vấn đề tàu cá và ngư dân trên cơ sở luật pháp quốc tế, cũng như tinh thần đối xử nhân đạo với tàu cá và ngư dân.


Hồng Điệp - Thanh Hải (TTXVN)
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông là vô giá trị
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông là vô giá trị

Việt Nam kiên quyết phản đối quyết định vô giá trị mà phía Trung Quốc vừa đưa ra, theo đó cấm toàn bộ các hoạt động đánh bắt cá trên biển Đông bao gồm Vịnh Bắc Bộ từ 12h00 ngày 16/5/2015 đến 12h00 ngày 1/8/2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN