Việt Nam khẳng định các nước đều phải có trách nhiệm giải quyết vấn đề buôn bán trái phép súng nhỏ, vũ khí nhẹ  

Theo phóng viên TTXVN tại New York, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 6/10 đã họp về vấn đề súng nhỏ, vũ khí nhẹ bất hợp pháp và các hoạt động gìn giữ hòa bình với sự tham dự của Phó Tổng Thư ký LHQ kiêm Đại diện cao cấp về Giải trừ quân bị Izumi Nakamitsu.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ảnh tư liệu: TTXVN

Thư ký chấp hành Trung tâm khu vực về súng nhỏ tại châu Phi, Thiếu tướng Badreldin Elamin Abdelgadir và ông David Lochhead thuộc Trung tâm Nghiên cứu súng nhỏ quốc tế tại Geneva, Thụy Sỹ cũng tham dự sự kiện.

Tại cuộc họp, Việt Nam nhấn mạnh tất cả các nước và các bên liên quan cần nỗ lực giải quyết vấn đề buôn bán bất hợp pháp súng nhỏ, vũ khí nhẹ. Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ cho hay tất cả các bên cần nỗ lực giải quyết vấn đề buôn bán bất hợp pháp súng nhỏ, vũ khí nhẹ. Quốc gia có trách nhiệm hàng đầu trong lĩnh vực này, bên cạnh đó cần tăng cường hợp tác khu vực, quốc tế về giải quyết các vấn đề liên quan. HĐBA cần chú ý giải quyết vấn đề trên theo hoàn cảnh cụ thể của nước liên quan. Đại sứ kêu gọi giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột, trong đó có việc tuân thủ luật pháp quốc tế, xóa bỏ bất công, bất bình đẳng và xây dựng lòng tin, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia. Đại sứ tái khẳng định quyền chính đáng của các nước về mua sắm, sản xuất, chuyển giao và sở hữu súng nhỏ, vũ khí nhẹ vì mục đích quốc phòng, an ninh.

Trong bài phát biểu của mình, các bên tham dự cuộc họp đều có chung ý kiến cho rằng súng nhỏ, vũ khí nhẹ bất hợp pháp tiếp tục châm ngòi, kéo dài và làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột vũ trang và tác động tới an ninh, ổn định, phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là tại châu Phi. 

Trong 20 năm qua, HĐBA đã thảo luận, thông qua các nghị quyết với nhiều biện pháp nhằm giải quyết vấn đề súng nhỏ, vũ khí nhẹ bất hợp pháp, trong đó có nghị quyết 2117 (năm 2013), 2220 (năm 2015). Nhiều ý kiến nói rằng HĐBA cần tiếp tục chủ động lồng ghép việc đấu tranh với tình trạng này vào các hoạt động liên quan đến ngăn ngừa xung đột, gìn giữ hòa bình, tái thiết hậu xung đột, chống khủng bố và chống tội phạm xuyên quốc gia; các phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ cần tăng cường nhiệm vụ kiểm soát, quản lý vũ khí, hỗ trợ nước tiếp nhận trong việc thu hồi vũ khí, tái hòa nhập, tái thiết và xây dựng sau xung đột.

Hải Vân - Quang Huy (TTXVN)
Liên hợp quốc nỗ lực ngăn chặn tình trạng mất an ninh lương thực
Liên hợp quốc nỗ lực ngăn chặn tình trạng mất an ninh lương thực

Trong bối cảnh hơn 41 triệu người đang trong tình cảnh khẩn cấp vì mất an ninh lương thực, ngày 4/10, các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức cuộc họp trực tuyến nhằm tìm cách ngăn chặn nguy cơ xảy ra nạn đói và các tình trạng tương tự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN