Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tanja Fajon nhắc lại khởi đầu của mối quan hệ giữa Slovenia và Việt Nam từ năm 1957 khi Slovenia là nước Cộng hoà trong Nam Tư. Sau khi Việt Nam hoà bình, thống nhất đất nước, Slovenia đã tham gia gây quỹ để hỗ trợ Việt Nam tái thiết đất nước sau nhiều năm chiến tranh. Bà Fajon nhấn mạnh việc Slovenia và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao là cột mốc quan trọng, cho thấy hai nước mong muốn hiểu biết sâu sắc hơn về nhau, sẵn sàng thúc đẩy hợp tác trên nhiều cấp độ và các lĩnh vực khác nhau.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Fajon đánh giá hai nước đã duy trì các cuộc đối thoại thường xuyên, bất chấp khoảng cách địa lý xa xôi và nguồn lực hạn chế. Theo bà, trao đổi và hợp tác giữa hai nước được tăng cường trong thời gian gần đây. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Fajon bày tỏ vui mừng đã có cơ hội đến thăm Việt Nam vào tháng 5/2023. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một Bộ trưởng Ngoại giao Slovenia đến Việt Nam kể từ năm 2006.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Fajon khẳng định, sau 30 năm phát triển quan hệ song phương, giờ đây Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại chủ chốt của Slovenia tại châu Á. Slovenia xuất khẩu sang Việt Nam các sản phẩm công nghiệp, hoa bia, trong khi nhập khẩu từ Việt Nam các mặt hàng tiêu dùng, lốp xe, hàng dệt may, điện tử và nhiều mặt hàng khác. Một trong những ví dụ điển hình trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương được bà Fajon đề cập là khoá họp lần thứ 3 của Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Slovenia tại Ljubljana vào tháng 10 năm ngoái, chỉ ít tháng sau chuyến thăm chính thức của bà tới Việt Nam.
Bà Fajon đánh giá mối quan hệ thương mại song phương tăng trưởng mạnh mẽ đã phản ánh vị trí trung tâm mà Việt Nam đạt được trong các ngành công nghiệp quan trọng và chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời bày tỏ ấn tượng sâu sắc trước những thành tựu của Việt Nam. Dự kiến, một phái đoàn doanh nghiệp Slovenia có kế hoạch đến thăm và tìm hiểu thị trường Việt Nam, trong đó tập trung vào tiềm năng kết nối hàng hải và hàng không giữa hai nước. Vị trí địa lý giúp giao thông vận tải trở thành một ngành quan trọng của Slovenia với cảng Koper là tuyến đường biển ngắn nhất từ châu Á tới Trung Âu, biến Slovenia trở thành cửa ngõ quan trọng ở Địa Trung Hải để vào Trung Âu và Đông Nam Âu.
Một lĩnh vực hợp tác tiềm năng khác giữa Slovenia và Việt Nam được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Fajon đề cập là du lịch, đồng thời nhấn mạnh tới sự phát triển của Việt Nam với tư cách là một đối tác đối thoại chính trị quan trọng. Bà nhắc lại việc Slovenia và Việt Nam vừa tiến hành Tham vấn chính trị hồi tháng 3 vừa qua tại Ljubljana do Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao và các vấn đề châu Âu của Slovenia Sanja Stiglic và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đồng chủ trì. Bà Fajon bày tỏ vui mừng và đánh giá cao khi Slovenia và Việt Nam đều cam kết theo đuổi chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ), Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Bà khẳng định Slovenia mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực cùng có lợi, và đây cũng là điều quan trọng trong bối cảnh Slovenia hiện là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ (nhiệm kỳ 2024-2025) với hàng loạt vấn đề đặt ra cần quan tâm và giải quyết.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Fajon, cả Slovenia và Việt Nam đều tham gia vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế như bảo vệ dân thường trong các cuộc xung đột hoặc vấn đề hạt nhân, nguồn nước. Slovenia coi việc trở thành Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ là vinh dự và trách nhiệm to lớn, nỗ lực là một thành viên cởi mở, minh bạch và toàn diện của cơ quan này. Trong thời gian qua, Slovenia đã tham gia một cách chủ động, có hiệu quả và mang tính xây dựng nhằm thúc đẩy các tiến trình của HĐBA LHQ, nỗ lực vượt qua những khác biệt, tìm các phương án thay thế để đi tới kết quả mà các bên đều có thể chấp thuận. Ví dụ trong vấn đề Gaza, Slovenia đóng vai trò tích cực trong việc khởi xướng, soạn thảo và đàm phán Nghị quyết 2728 của HĐBA LHQ. Trên cương vị Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ, Slovenia tập trung vào các vấn đề ngăn ngừa xung đột, bảo vệ dân thường trong các cuộc xung đột vũ trang, sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của phụ nữ vào các vấn đề hoà bình, an ninh và khí hậu. Bà Fajon nhấn mạnh, điều này phản ánh một số ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Slovenia cũng như lịch sử lâu đời khi Slovenia tham gia thảo luận các vấn đề này tại các diễn đàn đa phương. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Fajon cho biết Slovenia đang lên kế hoạch cho hoạt động trên cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ vào tháng 9 tới.
Nhắc lại kỷ niệm về hợp tác song phương giữa Slovenia và Việt Nam, bà Fajon cho biết giữa hai nước đã có những trao đổi trên nhiều lĩnh vực từ rất sớm và hiện nay tại Slovenia có một cộng đồng nhỏ người Việt Nam, giúp người dân Slovenia hiểu biết hơn về văn hoá Việt Nam. Một ví dụ khác được đề cập là việc các chuyên gia Slovenia đã tham gia khảo sát động Thiên Đường trong công viên quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng của Việt Nam vào năm 2009 để chuẩn bị những điều kiện sơ bộ cho mục đích du lịch. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Fajon cho biết rất mong chờ các buổi trình diễn nghệ thuật của Việt Nam dự kiến sẽ được tổ chức tại thủ đô Ljubljana trong năm nay, qua đó giúp Slovenia hiểu biết hơn về văn hoá nghệ thuật của Việt Nam.
Bà Fajon cho biết thêm Slovenia sẽ thúc đẩy sớm mở văn phòng Lãnh sự danh dự tại TP Hồ Chí Minh để hỗ trợ hơn nữa cơ hội tăng cường hợp tác giữa Slovenia, một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) với Việt Nam, một thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Phó Thủ tướng Fajon cho biết, tuy là một quốc gia tương đối nhỏ, song Slovenia có mức GDP bình quân đầu người cao nhất tại khu vực Trung và Đông Âu. Slovenia rất sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi của mình với Việt Nam. Bà cũng bày tỏ mong muốn hai nước tăng cường trao đổi đoàn cấp cao nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Khẳng định vị trí quan trọng của Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Fajon nhấn mạnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) đã đưa quan hệ giữa EU và Việt Nam lên một tầm cao mới. Slovenia đang tiếp tục cùng với các quốc gia thành viên khác trong EU nỗ lực thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA). Bà Fajon cũng đánh giá rất cao những nỗ lực của Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa EU và ASEAN, cho rằng trong bối cảnh thế giới đầy biến động như hiện nay, việc tăng cường hợp tác với Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đóng vai trò hết sức quan trọng.